Theo dõi trên

Ứng phó dịch tả lợn châu Phi: Hộ chăn nuôi phải chú ý khâu chăm sóc đàn lợn

14/03/2019, 08:31 - Lượt đọc: 73

BT - “Chăm sóc đàn lợn thật chu đáo, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ cơ sở giết mổ, xe vận chuyển; tuyên truyền người dân hiểu ý thức phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP)” - ông Nguyễn Trung Thông - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phong cho biết đây là cách làm của địa phương để ứng phó DTLCP.

Chủ động bảo vệ đàn lợn

Mới đây, khi nhận được thông tin một hộ dân ở xã Hòa Minh có lợn chết, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện có mặt ngay tại địa bàn kiểm tra, xác định 1 con lợn chết của hộ gia đình trên là do bị lở móng, nguyên nhân do khâu vệ sinh chuồng trại kém. Tuy Phong có tổng đàn lợn trên 3.100 con chủ yếu nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình tập trung nhiều ở các xã, thị trấn: Hòa Minh, Vĩnh Tân, Liên Hương, Vĩnh Hảo. Loại hình chăn nuôi này thường áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi không triệt để, trong đó công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, kiểm soát ra vào khu vực chăn nuôi không được thực hiện tốt nên dịch bệnh rất dễ xảy ra. Vì vậy, khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại đàn lợn cần thiết. Trung tâm vừa cấp 55 lít thuốc sát trùng về các xã, thị trấn toàn huyện để cán bộ hướng dẫn người chăn nuôi sát trùng vệ sinh chuồng trại. Cán bộ thú y cơ sở phải hiểu rõ đặc điểm tình hình dịch bệnh, để tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi chủ động phòng bệnh cho đàn lợn. Trước tình hình DTLCP đang diễn biến phức tạp, mức độ lây lan rất nhanh, các hộ chăn nuôi thời điểm này hạn chế việc thương lái vào khu vực chăn nuôi. Khi vào phải mặc trang phục của trại, tiêu độc khử trùng người và dụng cụ. Nhất là các hộ chăn nuôi gia đình chú ý theo dõi đàn lợn áp dụng biện pháp an toàn sinh học. Bên cạnh lưu ý chăm sóc đàn lợn kỹ càng từ thức ăn nước uống, tiêm vắc xin phòng bệnh đối với các bệnh do vius gây ra như dịch tả, lở mồm long móng, tai xanh… thực hiện tiêu độc khử trùng ít nhất 1 lần trong tuần. Trong tình hình dịch bệnh chưa ổn định người chăn nuôi hạn chế nhập lợn mới về nuôi nhất là những tỉnh có nguy cơ cao, khi nhập phải khai báo ngay với cơ quan thú y địa phương. Khi cần thiết chỉ nhập lợn ở trang trại đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh và có giấy kiểm dịch động vật của cơ quan thú y. 

Kiểm soát tốt vận chuyển, giết mổ

Huyện Tuy Phong đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống DTLCP do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Ngoài tập trung tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện đúng nguyên tắc “5 không” trong chăn nuôi. Các xã, thị trấn thực hiện nghiêm việc kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn không có nguồn gốc vào địa bàn; vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi buổi chợ, cơ sở giết mổ… Ông Thông cho biết thêm: “Huyện đang yêu cầu các địa phương rà soát lại tổng số đàn lợn cũng như các cơ sở giết mổ để triển khai các biện pháp phun thuốc sát trùng. Cũng như khuyến khích người dân báo ngay với cơ quan chức năng khi đàn lợn có vấn đề, không giấu lợn bệnh”. Ngoài ra, tại xã Vĩnh Tân, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời quốc lộ 1A giáp ranh tỉnh Ninh Thuận. Lực lượng chốt chặn 24/24h để kiểm soát chặt chẽ xe chở lợn ra vào tỉnh.

Trước tình hình dịch bệnh đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, mỗi người chăn nuôi cần áp dụng các phương pháp an toàn sinh học, không lơ là công tác phòng bệnh.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng phó dịch tả lợn châu Phi: Hộ chăn nuôi phải chú ý khâu chăm sóc đàn lợn