Theo dõi trên

Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: “Đòn bẩy” phát triển kinh tế khu vực phía Nam

27/11/2019, 08:43

BT- Khu vực phía Nam Bình Thuận với những giá trị riêng về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và tiềm năng đất đai, nhân lực phong phú. Hơn thế, trong tương lai tuyến cao tốc Bắc - Nam, trong đó có tuyến Phan Thiết - Dầu Giây hình thành sẽ tháo gỡ vướng mắc về giao thông đối ngoại của tỉnh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp. Đồng thời giúp kết nối du khách quốc tế và nội địa đến với Bình Thuận, nhất là các huyện, thị phía Nam như Hàm Tân, La Gi, Hàm Thuận Nam.

Bài 1: Để La Gi “sáng” trên bản đồ du lịch

Nằm ở phía Nam của tỉnh, giữa thiên đường du lịch là TP. Phan Thiết và TP. Vũng Tàu, thị xã La Gi sớm vươn mình và dần trở thành hạt nhân chính trong phát triển kinh tế và du lịch biển của tỉnh. La Gi đang có lợi thế rất lớn khi vào đầu năm 2018, trở thành đô thị loại III và là đô thị lớn thứ 2 của tỉnh, đang được quy hoạch để lên thành phố trực thuộc tỉnh, là trung tâm kinh tế, văn hóa phía Nam vào năm 2022 - 2025.

                
Một góc bãi biển thị xã La Gi. Ảnh: D.Hòa

Điểm đến hấp dẫn

Cách TP. Phan Thiết khoảng 63 km và cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 170 km, thị xã La Gi có chiều dài bãi biển 28 km với 2 cửa biển lớn là cửa sông Dinh và cửa sông Phan. Hơn thế, La Gi còn có vị trí vô cùng thuận lợi khi có mạng lưới giao thông trải đều với rất nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua như  QL55, tỉnh lộ 719, cách Cảng quốc tế Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng hàng không quốc tế Long Thành trong  bán kính 70 km. Nhờ đó, La Gi ngày càng nhận được nhiều sự chú ý của du khách, ngành du lịch nơi đây từng bước phát triển một cách thuận lợi hơn bên cạnh sự phát triển chung về kinh tế - xã hội. Với tổng diện tích tự nhiên khoảng hơn 18.282 ha, thị xã La Gi được đánh giá có vị trí đặc biệt trong thu hút đầu tư giai đoạn tới đây. Đặc biệt, khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đưa vào hoạt động, thời gian từ TP. Hồ Chí Minh đến La Gi rút ngắn chỉ còn xấp xỉ 1,5 giờ. Bên cạnh đó, với tiềm năng du lịch còn nguyên sơ, khá nhiều những điểm đến hấp dẫn cho du khách tham quan, khám phá như đồi Dương Cam Bình, Ngảnh Tam Tân, Dinh Thầy Thím, cảng La Gi, Hòn Bà... Mặt khác, La Gi được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài và nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đây là lợi thế đặc biệt để thu hút đầu tư vào du lịch sinh thái biển, đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng. Chính vì vậy, hiện nay La Gi đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, thị xã có 11 dự án được cấp phép đầu tư với diện tích 81,206 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 930,637 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thị xã có 40 dự án, với tổng diện tích 676,45 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.464 tỷ đồng. Trong đó, có 12 dự án đã đi vào hoạt động, 11 dự án đang triển khai tập trung vào các lĩnh vực du lịch, khu dân cư, đô thị biển, khu thương mại dịch vụ… Mặc dù vậy, theo đánh giá của thị xã La Gi, tốc độ phát triển du lịch trên địa bàn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Trong năm 2019, thị xã La Gi có 7 dự án bị thu hồi do chậm triển khai đầu tư và có 10 dự án chưa triển khai. Bên cạnh đó, La Gi chưa huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho du lịch và các loại hình dịch vụ liên quan. Ngoài ra, các loại hình sản phẩm du lịch tuy có phát triển nhưng chưa phong phú, đa dạng. Ý thức cộng đồng về du lịch chưa đồng đều, đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu, còn thiếu cán bộ quản lý giỏi và nhân viên phục vụ có kỹ năng chuyên môn cao…

Du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn

Bước sang năm 2020, thị xã La Gi xác định quan điểm phát triển du lịch bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020, du lịch La Gi trở thành kinh tế mũi nhọn có hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc dân tộc. Cụ thể, thu hút mỗi năm 700.000 lượt khách, tăng bình quân lượng khách từ 10 - 12%/năm. Mỗi năm đều có thêm dự án du lịch đi vào hoạt động đảm bảo tương ứng với tốc độ phát triển. Từ năm 2020, thị xã La Gi cơ bản là một điểm đến với loại hình du lịch văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển, hồ, cảnh quan, vui chơi giải trí.

Để đạt mục tiêu đề ra, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phát triển du lịch, La Gi sẽ huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch gắn với chỉnh trang đô thị. Tập trung tăng cường các nguồn lực xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Huy động nhiều nguồn lực để nâng cấp, đầu tư mở rộng hệ thống giao thông, cung cấp điện, cấp thoát nước, viễn thông, triển khai đầu tư kè chắn sóng, khu neo đậu tàu thuyền… Mặt khác, La Gi sẽ chú trọng làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, các danh lam thắng cảnh, nâng cấp các điểm tham quan phục vụ du khách. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư hình thành các khu du lịch có quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm du lịch. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của tỉnh có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án du lịch triển khai xây dựng và hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

Ông Phạm Văn Nam - Bí thư Thị ủy La Gi cho biết, để tạo dựng nền tảng dẫn dắt giới đầu tư, La Gi rất coi trọng công tác quy hoạch. Tại Quyết định số 1061 về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chung thị xã La Gi đến năm 2035 của UBND tỉnh ngày 25/4/2019, hoạch định thị xã La Gi là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học -  kỹ thuật, thương mại, dịch vụ và du lịch; trung tâm phát triển kinh tế tiêu biểu vùng phía Nam tỉnh. Theo đó, La Gi được quy hoạch thành 6 phân khu phát triển. Cụ thể, trung tâm đô thị mới - trung tâm hành chính, chính trị (cửa ngõ phía Bắc); trung tâm hỗn hợp thương mại, dịch vụ; khu đô thị dịch vụ - cảng cá; khu đô thị công nghiệp, dịch vụ; khu đô thị du lịch dịch vụ và khu đô thị nông nghiệp, dự trữ phát triển. Trong định hướng phát triển không gian, có nhiều khu vực rất đáng chú ý cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư. Trong đó, khu vực du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hình thành 3 không gian du lịch, dịch vụ gắn với các không gian sinh thái đặc trưng của thị xã La Gi. Đó là Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch núi rừng kết hợp hồ Núi Đất; Khu du lịch sinh thái nông nghiệp, trải nghiệm gắn với vùng không gian cảnh quan sinh thái nông nghiệp đặc trưng; Toàn bộ không gian dải bờ biển phát triển các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven biển.

    
     “Lãnh đạo   thị xã cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, cơ chế thông thoáng để   nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tiếp cận, giải quyết các thủ tục   đầu tư. Đặc biệt là giải quyết các vướng mắc trong bồi thường, giải   phóng mặt bằng, ưu đãi đầu tư” - Bí thư Thị ủy Phạm Văn Nam cho biết.

TRẦN THI - THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: “Đòn bẩy” phát triển kinh tế khu vực phía Nam