Theo dõi trên

BÀI DỰ THI GIẢI CỜ ĐỎ

25/09/2020, 09:04 - Lượt đọc: 69

Trước thử thách

Bài 3: Khát vọng vươn cao

Tất cả để phấn đấu trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn, có năng lực, đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, mạnh về du lịch, năng lượng và kinh tế biển. 

Ðổi thay

Đến lúc này, khi những thông tin liên quan đến giao thông đối ngoại đã xác định chính xác được thời gian khởi công như tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sẽ thi công vào cuối tháng 9 hoặc chậm nhất vào đầu tháng 10/2020; sân bay Phan Thiết cũng chính thức thi công trong năm, sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng ứng vốn xây dựng cũng như ghi vốn dự án chặng 2021 - 2025 thì Bình Thuận cứ như thoát khỏi cảnh bị ngăn cách, bị chậm lại, bị bỏ lại phía sau. Cảm giác ấy rất thật, vì lâu nay những câu chuyện kêu gọi đầu tư vào tỉnh bị các nhà đầu tư lớn từ chối với lý do mà ai nghe qua cũng thấu hiểu. Vì sự thật là tới Phan Thiết mất quá nhiều thời gian, vì chưa có cảng chuyên dùng lại thiếu ngành dịch vụ logistics, công nghiệp phụ trợ... 

Đường giao thông Hòa Thắng - Hòa Phú. Ảnh: N.Lân

Tuy nhiên, hiện tại những vấn đề vướng mắc trong đầu tư cũng đã và đang gỡ. Gần nhất như quy hoạch, Bình Thuận đã làm xong quy hoạch tổng thể, đang làm quy hoạch phân khu. Đây là điểm bức bối nhất thời gian qua, khi trên địa bàn tỉnh bị cảnh chồng lấn quy hoạch như cát đen, 3 loại rừng. Có nhiều trường hợp nhà đầu tư phải chờ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu mới có thể triển khai quy hoạch chi tiết... Bên cạnh đó, quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan cũng sẽ được điều chỉnh diện tích trong nay mai. Vì trong cuộc họp trực tuyến với tỉnh vào tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong tháng 9, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 45, từ đây mới có thể điều chỉnh quy hoạch tại địa phương. Trong khi đó, quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né cũng đã phê duyệt xong, mở ra một vùng rộng lớn 14.780 ha cho đầu tư phát triển du lịch biển. Tiếp đến là Cảng Vĩnh Tân đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật dành cho container từ tháng 6 rồi...

Sự thiếu thốn hạ tầng kỹ thuật trên cũng như những gấp gáp gỡ vướng trong thời gian qua, suy cho cùng cũng vì Bình Thuận “đi muộn” so với các tỉnh, thành khác. Vì phải đến năm 2015 - 2016, vấn đề cao tốc, sân bay, cảng biển mới được đặt vấn đề chính thức với Trung ương. Và từ đó đến nay, Bình Thuận đã  tổ chức 2 hội nghị xúc tiến đầu tư, cụ thể vào năm 2017 có sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và năm 2019 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Qua đó, có thêm hàng chục dự án lớn, trung xuất hiện. Rồi chuẩn bị đầu tư, lại thêm dự án mới dồn lên dự án cũ trước đó bị vướng, mà vướng toàn những điểm nghẽn lớn phải nhờ sự bắt tay, giúp sức, quan tâm của các bộ, ngành chức năng và cả Chính phủ. Tỉnh đã kiến nghị Trung ương nhiều lần và tinh thần ấy được doanh nghiệp ghi nhận, qua chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh trong PCI của 3 năm qua đều liên tục tăng bậc, tăng điểm. Đồng thời cũng cảm nhận những nỗ lực trong hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chuyên đề từ Chương trình hành động số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy như tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi; đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân; nâng cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, vai trò của các tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân... Riêng Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đẩy mạnh sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, nên đến nay toàn Khối có 26 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc các loại hình doanh nghiệp; có 30 doanh nhân thì có 28 đồng chí là đảng viên. Nhờ vậy, trong cảnh khó chứa đựng nhiều vận hội này, kinh tế của tỉnh đã trụ được chờ đến thời điểm “cởi trói” các dự án; rồi Bình Thuận trở thành điểm hấp dẫn đầu tư, nên chắc chắn sẽ tạo sự đổi thay ít ai ngờ. 

Khi thời cơ đến

Dù hiện tại đang chứa đựng các yếu tố hứa hẹn, nhưng thực tế, vì những điểm nghẽn trên, cộng thêm dịch bệnh, hạn hán vào năm cuối kéo kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020 rơi vào cảnh chưa trọn vẹn. Vì vẫn còn 7/31 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: GRDP bình quân đầu người; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo... Trong khi đó, có nhiều kết quả khác rất nổi bật. Như đã tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ từ 60,83% lên 70,51%, giảm tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - thủy sản từ 39,17% xuống còn 29,49% đúng kế hoạch. Bên cạnh đã tiếp tục giữ vững thương hiệu và uy tín đưa Bình Thuận trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch, hướng đến phát triển trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Rồi đã tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu; đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Chưa hết, đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2020 theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIII) với sự hình thành hệ thống giao thông đối nội, các thiết chế văn hóa... theo hướng đồng bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển.

Vì vậy, cũng không bất ngờ khi tại báo cáo trình đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Bình Thuận đã chọn 3 khâu đột phá, thể hiện một sự tiếp tục ở tầm mới với khao khát vươn cao hơn. Thứ nhất, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân. Thứ hai, tăng cường đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Và thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư kinh doanh, liên kết, hợp tác và phát triển. Việc thu hút đầu tư ấy xoay quanh 3 trụ cột mà 2 - 3 năm qua, ngay cả người dân cũng ví như kiềng 3 chân. Đó là phát triển công nghiệp tập trung vào năng lượng, chế biến; đẩy nhanh du lịch biển về giải trí, thể thao và xây dựng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với hình thành chuỗi giá trị. Tất cả để phấn đấu trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn, có năng lực, đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, mạnh về du lịch, năng lượng và kinh tế biển.

Tại cuộc họp trực tuyến với Bình Thuận vào cuối tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh 3 trụ cột: “Tỉnh cần phát triển đồng bộ công nghiệp, nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; phát triển mạnh du lịch, đưa ngành này thực sự trở thành ngành kinh tế động lực, có thương hiệu trong khu vực. Trong phát triển, chú ý hệ thống doanh nghiệp; quản lý hiệu quả tài nguyên, đất đai; chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng chính quyền số, thương mại điện tử”. Thủ tướng tin tưởng rằng, với tiềm năng và lợi thế của Bình Thuận, với sự nỗ lực cố gắng của các cấp lãnh đạo trên địa bàn tỉnh, nhất định Bình Thuận sẽ có những bước tiến tốt hơn nữa trong thời gian đến.           

   Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
BÀI DỰ THI GIẢI CỜ ĐỎ