Theo dõi trên

Thủy lợi nội đồng: Hiệu quả và hạn chế

01/12/2016, 10:06 - Lượt đọc: 294

BT - Những chuyển biến tích cực qua 3 năm thực hiện đề án thủy lợi nội đồng theo Chỉ thị 39 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiều km kênh mương nội đồng ở Hàm Thuận Bắc được nhân dân góp tiền, ngày công, hiến đất để làm mới, kiên cố và nạo vét đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất, nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

         

Những con số ấn tượng

Phát huy quy chế dân chủ cơ sở, 3 năm qua (2013 - 2015) nhân dân Hàm Thuận Bắc đã góp trên 7,526 tỷ đồng, 18.850 m2 đất, các tổ chức khác hỗ trợ gần 400 triệu đồng để thi công làm mới 18,52 km kênh mương nội đồng phục vụ tưới thêm 475 ha đất ở những vùng khô hạn trước đây chưa có nước. Việc chuyển giao hệ thống kênh mương nội đồng cho UBND các xã, thị trấn và các tổ hợp tác dùng nước quản lý, đã tạo tính chủ động, phát huy sự đóng góp của người dân theo cơ chế “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để ra quân nạo vét, phát dọn thông thoáng các tuyến kênh tưới tiêu, bê tông hóa kênh mương các đoạn nội đồng góp phần nâng cao hiệu quả trong khai thác các công trình thủy lợi, thúc đẩy, sản xuất phát triển, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đáng chú ý một số mô hình tổ hợp tác dùng nước bước đầu phát huy hiệu quả, vai trò quản lý điều hành của chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận, các đoàn thể và ý thức tham gia của người dân trong khai thác, vận hành và duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi đã ngày càng nâng lên. Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận - Chi nhánh Hàm Thuận Bắc đã có nhiều nỗ lực phối hợp các ngành và chính quyền các xã, thị trấn đảm bảo tưới tiêu thông suốt, nâng hiệu quả sử dụng đất.

Hạn chế cần tháo gỡ

Thực tế tại Hàm Thuận Bắc, ngoài công trình thủy lợi Sông Quao được hoàn thiện từ kênh cấp 1, cấp 2 nên kênh mương nội đồng ngày càng phát huy, tăng thêm diện tích tưới. Riêng một số công trình thủy lợi độc lập, do hệ thống kênh chính và việc khai thác quỹ đất hạn chế nên chưa phát huy được năng lực thiết kế. Cụ thể hồ thủy lợi Đaguiry chỉ khai thác tưới 37 ha/250 ha; Saloun tưới 84 ha/420 ha; Sông Khán 53 ha/350 ha; nhất là  kênh 812 Châu Tá - Sông Quao chưa phát huy hết năng lực thiết kế tưới. Ngoài ra nhiều công trình thủy lợi xuống cấp trên kênh chính như đập dâng, cống điều tiết… chưa có kinh phí khắc phục. Những hạn chế này Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cần quan tâm, phối hợp Hàm Thuận Bắc tháo gỡ.

Tiếp tục phát huy nội lực trong dân

Nói về những tồn tại qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 39, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc – Nguyễn Ngọc Thạch cho biết: Phong trào thi đua làm thủy lợi nội đồng ở một số xã chưa mạnh còn ỷ vào Nhà nước, thiếu chủ động, chưa có những giải pháp quyết liệt trong thực hiện đề án. Nổi rõ qua 3 năm chỉ làm mới 18,52 km kênh mương, chưa đạt kế hoạch đề ra giai đoạn 2013 - 2015 là 22,3 km. Việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn chưa chuyển biến ở các xã Hàm Thắng, Thuận Hòa, Thuận Minh. Cơ chế quản lý, xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang, sông suối tự nhiên, kênh mương nội đồng còn nhiều bất cập và thiếu văn bản quy định. Bức xúc nhất một số hộ dân tự ý chuyển đổi cây trồng (thanh long) trong vùng quy hoạch sản xuất lúa, gây nên ngập úng cục bộ, ảnh hưởng việc tưới tiêu diện rộng và tạo ra tranh chấp trong sử dụng nước nhưng chưa được xử lý kịp thời, triệt để. Một số tổ hợp tác dùng nước chưa làm tốt công tác nạo vét, phát dọn các tuyến kênh nội đồng nên ảnh hưởng công tác tưới tiêu, gây mất niềm tin trong nhân dân. Thực hiện xã hội hóa kinh phí trong nạo vét, kiên cố hóa kênh mương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết nội lực trong dân.

Để tạo chuyển biến trong thực hiện Chỉ thị 39, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Sắp tới tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức đầy đủ việc làm thủy lợi nội đồng chính là lo cho dân, nâng cao thu nhập người dân để từ đó tự giác, tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào làm thủy lợi nội đồng. Phối hợp các ngành, chủ lực là ngành nông nghiệp thực hiện Chương trình đào tạo nâng cao năng lực, trách nhiệm và vai trò của tổ hợp tác dùng nước, chính quyền các xã, thị trấn trong xử lý các vấn đề tranh chấp về nước tưới tiêu, lấn chiếm hành lang kênh mương, các trường hợp vi phạm trong vận hành, bảo vệ công trường thủy lợi nội đồng. Thực hiện phân bổ nguồn vốn đầu tư và bố trí kinh phí để cùng nhân dân phát triển thủy lợi nội đồng. Mặt trận và các đoàn thể cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong thực hiện Chỉ thị 39.

Phan Văn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủy lợi nội đồng: Hiệu quả và hạn chế