Theo dõi trên

Thi công đường cao tốc qua Bình Thuận: Tìm lời giải vật liệu đắp nền phù hợp

08/04/2021, 09:00

Bài 2: Không chỉ hối hả trên công trường

Bài 3: Giữ gìn hiệu quả mang lại từ cao tốc

BT- Đất nền lấy từ cải tạo đất nông nghiệp của các hộ dân, nếu đưa vào thi công cao tốc cũng phải theo trình tự trên. Tương tự, với đề xuất cấp mỏ theo cơ chế đặc thù cũng vậy, sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, sự không công bằng, ảnh hưởng trong đấu giá mỏ cũng như quản lý đất đai nói chung theo Luật Khoáng sản cho sau này ở tỉnh.

                
      
Đoạn đường được thi công thử nghiệm đắp nền    bằng đá nghiền tại gói thầu XL 01 - Vĩnh Hảo - Tuy Phong.

Nhiều nguyên vật liệu thay thế

Những ngày cuối tháng 3/2021, Văn phòng tư vấn giám sát thi công xây dựng gói thầu XL 01 của Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT – CTCP gửi đến Ban 7, chủ đầu tư tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết báo cáo thi công thử nghiệm đắp nền đường bằng vật liệu đá nghiền gói thầu XL 01. Theo báo cáo, nhà thầu đã tổ chức nghiền đá cấp 4 tận dụng từ đá đào nền đường để thi công thử nghiệm đắp nền đường bằng vật liệu đá nghiền đạt chất lượng đề ra và phù hợp với TCVN 9436: 2012, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án và năng lực thiết bị cũng như nhân lực thi công... Ban 7 cho biết mấy ngày trước, đoàn Cục Quản lý xây dựng chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cũng đã đi kiểm tra đoạn đường thi công thử nghiệm đắp nền đường bằng đá nghiền này và thống nhất với giải pháp do Ban 7 đề xuất. Kết quả thử nghiệm, nếu được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý thì qua nguồn đất đá tận dụng được từ khai phá làm đường với khối lượng 1,8 triệu m3 đá, nhà thầu sẽ có thêm 1 triệu m3 vật liệu đắp nền đường thay thế đất cấp 3.

Ở góc độ khác cũng căn cứ vào tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9436:2012, nền đắp có 3 trường hợp, gồm nền đắp đất, nền đắp đất lẫn đá và nền đắp đá. Với nền đắp đất thì đang diễn ra như thực tế, nền đắp đá thì không bàn tới ở đây, chỉ có nền đắp đất lẫn đá có thể là một hướng mở khác, khi có quy định với kích cỡ đá lớn hơn. Mà với khoáng sản Bình Thuận, đó là tiềm năng phong phú.

Chưa hết, còn một nguyên liệu nữa vừa được củng cố khi ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 08/CT – TTg đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Trong đó, yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn Nhà nước ngoài đầu tư công ưu tiên sử dụng tro, xỉ vào các dự án giao thông. Trước đó, ngày 15/1/2021, Sở Giao thông Vận tải ban hành Công văn số 110 thông tin về các yêu cầu kỹ thuật sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than làm nền đường ô tô.  Cụ thể, phải tuân thủ các quy định theo TCVN 12660:2019 Tro xỉ nhiệt điện đốt than làm nền đường ô tô – Yêu cầu kỹ thuật, thi công và nghiệm thu. Trong đó lưu ý: Không sử dụng tro xỉ nhiệt điện hoặc hỗn hợp tro xỉ nhiệt điện để xây dựng các bộ phận của nền đường trong phạm vi khu vực tác dụng của nền đường cũng như trong khu vực dưới mức nước ngập hoặc nước ngầm…

Bên cạnh các nguyên vật liệu có tiềm năng có thể thay thế đất cấp 3 như trên, thời gian qua các nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng trên 2 tuyến cao tốc, sau khi khảo sát đều rất quan tâm và kiến nghị tỉnh 2 cách khắc phục tình hình thiếu đất bồi nền. Đó là muốn được cấp phép một số vị trí mỏ đất theo cơ chế đặc thù như cách làm ở tỉnh Quảng Ninh và cho phép tận dụng nguồn vật liệu từ việc cải tạo đất nông nghiệp của các hộ dân. 

Linh hoạt vận dụng

Để có vật liệu cho đắp nền đường cao tốc, Bình Thuận có nhiều khả năng thay thế đất cấp 3 như trên nên nói theo cách của lãnh đạo 1 bộ khi bàn về thiếu vật liệu cho thi công cao tốc là phải căn cứ đặc thù của từng tỉnh, có thể chủ động linh hoạt trong từng cách làm, cách sử dụng vật liệu tại địa phương. Vấn đề cốt lõi là các chủ đầu tư, nhà thầu tính toán tính chất từng cung đường, mặt ưu lẫn chưa mạnh của từng loại nguyên vật liệu mà sử dụng để bảo đảm chất lượng công trình và cả hiệu quả kinh tế.  

Với kỹ thuật nghiền đá đắp nền, hiện đang là giải pháp hy vọng. Với chủ các mỏ mà nhà thầu đề nghị gia công lại, vì đất lẫn đá nhiều thì rất hoan nghênh cũng như mong muốn được bán vật liệu cho thi công cao tốc với giá hợp lý để góp phần vào phát triển chung của tỉnh, dù chi phí từ hoạt động gia công đội lên khoảng 10.000 đồng/m3 cho sàn lọc đá và khoảng 40.000 đồng/m3 cho nghiền xay đá. Trong khi đó, các nhà thầu chưa nhiệt tình lắm. Một nhà thầu thi công 14 km cao tốc tại Bắc Bình, nơi được xem là đang thiếu đất đắp nền nhiều, cho rằng kỹ thuật nghiền đá đắp nền trên dành cho đất đá tận dụng, tức không phải bỏ tiền mua, nhà thầu chỉ bỏ chi phí để xay, nghiền nên có giá thành không vượt quá dự toán. Còn ở  đây, nếu đã mua vật liệu, cộng thêm chi phí nghiền xay thì giá sẽ tăng cao.

Nếu lo ngại chuyện đội giá thì cũng có lựa chọn khác. Mới đây đại diện Ban 7 thông tin, trong tuần này, ban sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải bổ sung nội dung “Đắp nền đất lẫn đá”. Nếu được đồng ý thì sẽ áp dụng trên thực tế, góp phần lớn trong cung cấp vật liệu đắp nền. Hay có thể đến với nguyên liệu tro xỉ vốn dĩ vừa có nguyên liệu, vừa được nhà máy gửi thêm tiền từ 35.000 - 60.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, tìm hiểu được biết không có nhà đầu tư  lẫn nhà thầu nào từng nghĩ đến, dù trước đó qua báo chí, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh rằng, ngoài đất còn có thể sử dụng nguồn khác, như nguồn chất thải tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, vì Bộ Xây dựng cũng đã công bố tiêu chuẩn cho phép tro xỉ làm nền đường… Lý do, theo các nhà thầu, thi công đường cao tốc, công trình trọng điểm quốc gia nên không được phép sai lầm, dù là nhỏ nhất nên chuyện đưa tro xỉ vào thi công, dù cơ quan chức năng đã ban hành tiêu chuẩn cụ thể, cũng là điều chưa ai dám. Thực tế, với bất cứ vật liệu mới nào chứ không chỉ riêng tro xỉ cũng cần phải qua thi công thử nghiệm, đánh giá chất lượng, so sánh về kinh tế - kỹ thuật…rồi mới áp dụng trên thực tế.

Đất nền lấy từ cải tạo đất nông nghiệp của các hộ dân, nếu đưa vào thi công cao tốc thì cũng phải theo trình tự trên. Trong khi vấn đề này, hiện nay Luật Khoáng sản chưa quy định cụ thể đối với trường hợp tận dụng, vận chuyển khoáng sản là đất, đá dôi dư phát sinh trong quá trình cải tạo nên kiến nghị của chủ đầu tư, nhà thầu, dù vin vào đặc thù cho cao tốc cũng rất khó. Tương tự, với đề xuất cấp mỏ theo cơ chế đặc thù cũng vậy, sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, sự không công bằng, ảnh hưởng trong đấu giá mỏ cũng như quản lý đất đai nói chung theo Luật Khoáng sản cho sau này ở tỉnh.

2 kiến nghị trên, UBND tỉnh không đồng ý ngay từ đầu. Và trong cuộc họp chiều ngày 6/4, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục để sớm nâng công suất các mỏ đang khai thác cũng như đẩy nhanh cấp phép các mỏ trong quý 2/2021. Đến thời điểm này, tính toán lại thì vật liệu san lấp sau khi được lựa chọn, loại trừ để vừa bảo đảm chất lượng công trình, vừa phù hợp với quy định pháp luật, lẫn điều kiện đặc thù của tỉnh thì cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công cao tốc. Đó chính là mong muốn để giữ gìn hiệu quả mang lại từ cao tốc của Bình Thuận.

    
    Theo tiêu chuẩn Quốc gia   TCVN 9436: 2012, nền đắp đất lẫn đá có đất lẫn từ 30 -  70% đá các loại   có kích cỡ từ 50mm trở lên cho đến kích cỡ lớn nhất cho phép quy định   tại điểm 5.4, tức 100mm khi đắp trong phạm vi khu vực tác dụng của đường   và 150mm khi đắp phạm vi dưới khu vực tác dụng.

 Điều tra: BÍCH NGHỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh thăm chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), chiều 23/4, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn TP. Phan Thiết.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi công đường cao tốc qua Bình Thuận: Tìm lời giải vật liệu đắp nền phù hợp