Theo dõi trên

Thi công đường cao tốc qua Bình Thuận: Tìm lời giải vật liệu đắp nền phù hợp

06/04/2021, 08:40

Bài 1: Vì sao chưa có sự thống nhất chung?

BT- Khi đơn vị tư vấn thiết kế đi khảo sát đưa vào hồ sơ là dựa vào trữ lượng chung của đất tầng phủ, tức bao gồm đất cấp 3, đất lẫn đá và đất phong hóa. Nhưng khi đi vào thi công, các nhà thầu chỉ cần đất cấp 3 đắp nền đường…

                
Thi công gói XL 02 tại Bắc Bình - tuyến cao    tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Khảo sát khác lúc thi công

Những ngày qua, chuyện vật liệu cho thi công đường cao tốc qua địa bàn tỉnh, gồm tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết và tuyến Phan Thiết - Dầu Giây là vấn đề nóng, không chỉ vì tính chất của vụ việc mà còn vì thắc mắc của những người quan tâm. Đó là vì sao có chuyện lúc khảo sát thì báo đủ vật liệu đất đắp cũng như không phàn nàn gì về chất lượng, nhưng khi đi vào thi công như vào thời gian này, chủ đầu tư lẫn nhà thầu đều loan tin bị thiếu vật liệu trầm trọng. Nếu không có giải pháp hiệu quả, nguy cơ sẽ không hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra rất cao.

Trong khi theo quy định, trước khi các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam tổ chức đấu thầu xây lắp thì mọi khâu đều được khảo sát kỹ lưỡng, trong đó có việc khảo sát, xác định các mỏ vật liệu phục vụ thi công. Các đơn vị tư vấn sẽ đi thu thập số liệu để xác định số lượng mỏ, tính cả mỏ đang khai thác và mỏ có trong quy hoạch nhưng chưa khai thác, cùng với trữ lượng mỏ có thể cung cấp nguồn đất đắp cho dự án. Đồng thời lấy mẫu để xác định chất lượng, khả năng vận chuyển rồi tổng hợp để đưa vào hồ sơ… Bằng chứng, theo hồ sơ “Thiết kế kỹ thuật tập IV: hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải” của Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết do Ban Quản lý dự án 7 (Ban 7) làm chủ đầu tư có kết luận: “Tổng số 16 mỏ đất đã được khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng cho thấy các mỏ đất có trữ lượng đáp ứng nhu cầu vật liệu đắp cho dự án. Các mỏ đang khai thác, một số mỏ chưa khai thác tuy nhiên thuận lợi trong quá trình khai thác và vận chuyển về dự án. Chất lượng: vật liệu tại các mỏ đã được thí nghiệm (mỗi mỏ 3 mẫu)… đều đạt tiêu chuẩn để đắp nền đường lớp K95, K98”. Và với kết quả khảo sát trữ lượng, chất lượng đảm bảo như thế, dự án mới có tính khả thi để triển khai.

Thế nhưng gần đây, Ban 7 thông tin, qua kiểm tra hiện trường các mỏ vật liệu đất đắp phục vụ thi công, so với số liệu mà các sở, ngành tại tỉnh thống kê thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường có sự chênh lệch rất lớn, chưa có sự thống nhất chung. Hiện tại có 18 mỏ đất, đá tầng phủ đủ điều kiện cung cấp, trong đó có 5 mỏ đang làm thủ tục cấp phép khai thác dự kiến hoàn thành trong quý II/2021, chỉ khoảng 2,84 triệu m3. So với nhu cầu 9,2 triệu m3 thì còn thiếu đến 6,38 triệu m3. Nếu tính luôn trữ lượng của các mỏ chưa làm thủ tục cấp phép, hoàn thành sau quý II/2021 được khoảng 4,55 triệu m3 nữa thì vẫn còn thiếu 1,82 triệu m3. Theo tính toán, nhu cầu sử dụng vật liệu đất đắp nền đường sẽ tăng đột biến và khối lượng thi công nền đường phần lớn sẽ tập trung trong khoảng 8 tháng, tức từ nay đến tháng 10/2021. Như vậy, mỗi tháng cần hơn 1 triệu m3 đất đắp, tháng cao điểm có thể hơn 2 triệu m3. Tương tự, Ban Quản lý dự án Thăng Long, chủ đầu tư tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, tại hồ sơ thiết kế kỹ thuật cũng thông tin vật liệu đất đắp đủ, đạt chất lượng đắp nền đường cao tốc. Nhưng sau vài tháng thi công, những ngày gần đây, chủ đầu tư lại báo thiếu 2 triệu m3 đất nền so với nhu cầu đất đắp chung của toàn tuyến là 2,5 triệu m3.   

Đủ tầng phủ, thiếu đất cấp 3?

Sự chưa thống nhất vào lúc khảo sát và thi công trên đã làm vỡ ra nhiều vấn đề trong chuyện đất đắp nền, một vật liệu trong nhiều vật liệu khác trong thi công cao tốc. Theo Báo cáo số 605, ngày 25/2/2021 của Sở Tài nguyên - Môi trường, đầu tháng 2, sở đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng có sự tham gia của Ban 7 và các chủ mỏ khảo sát thực tế tại 16 khu mỏ có tên trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án thì kết quả cộng dồn trữ lượng của các mỏ đúng như đánh giá trong hồ sơ thiết kế dự án. Cụ thể, các bên ghi nhận, có 8 mỏ đã khai thác với tổng trữ lượng khoảng 5,75 triệu m3; 7 mỏ đang thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý để đủ điều kiện khai thác có tổng trữ lượng dự kiến khoảng 9,86 triệu m3 và 1 mỏ không đưa vào đấu giá do vướng các quy hoạch khác. Ngoài ra, qua rà soát dọc tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 5 mỏ vật liệu khác nằm lân cận với các mỏ nêu trên đã được cấp phép khai thác hoặc đã trúng đấu giá với tổng trữ lượng dự kiến khá lớn khoảng 9,37 triệu m3. Như vậy, 20 mỏ đã được cấp phép khai thác hoặc đã có kết quả trúng đấu giá đang hoàn tất các thủ tục đưa mỏ vào khai thác có tổng trữ lượng 24,98 triệu m3, cao gần gấp 3 nhu cầu vật liệu đất đắp của tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

                
Thi công gói XL 01 ở Hàm Thuận Nam - tuyến    cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

15 ngày sau, tức ngày 10/3, Ban 7, các nhà thầu… (không có Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn thiết kế dự án tham gia - PV), đã có cuộc khảo sát tại 24 mỏ bằng mắt thường thông qua mặt cắt hiện trạng của các mỏ. Tại đây, Ban 7, nhà thầu chỉ quan tâm đến tầng đất mặt, tức đất cấp 3 và trữ lượng thực tế đất cấp 3 được công nhận chỉ có hơn 7,38 triệu m3. Nhưng điều đáng chú ý trong đó có đến 4,545 triệu m3 thuộc các mỏ chưa đi vào khai thác… Vì sao có chuyện chênh lệch quá xa nguồn vật liệu như trên, đại diện của Ban 7 cho biết, chung quy lại ở chỗ cách tính chung đất tầng phủ và đất cấp 3, loại đất cứng đạt tiêu chuẩn để đắp nền đường lớp K95, K98. Khi đơn vị tư vấn thiết kế đi khảo sát đưa vào hồ sơ là dựa vào trữ lượng chung của đất tầng phủ, tức bao gồm đất cấp 3, đất lẫn đá và đất phong hóa. Nhưng khi đi vào thi công, các nhà thầu chỉ cần đất cấp 3 đắp nền đường để đạt tiêu chuẩn, kỹ thuật thi công đường cao tốc mà Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt.

Còn các chủ mỏ cho rằng, do đất cấp 3 là vật liệu đắp đường, nhu cầu sử dụng tại địa phương chưa nhiều nên công suất cấp phép khai thác hàng năm của các mỏ chỉ đáp ứng phù hợp. Còn giờ, có dự án cao tốc với kế hoạch khâu đắp nền đường phải xong trong năm 2021 đã tạo ra sự thúc bách trong một thời gian ngắn cùng nhu cầu tăng cao đột biến, bất thường, trong khi lại không có cơ sở nào để nâng công suất đáp ứng nhu cầu nên hiện tại đang thiếu là có. Nhiều chủ mỏ cũng tình thiệt là từ năm 2018 khi nghe có cao tốc đi qua, đều có ý trông chờ, nhất là cứ vài tháng lại thấy có công văn của tỉnh, các sở, ngành và địa phương thông báo phối hợp để cung ứng nguyên vật liệu thi công cao tốc, nhưng ngay cả lúc đã thấy khởi công dự án cũng chưa thấy đơn vị nào đến đặt vấn đề mua vật liệu. Vì vậy, các chủ mỏ kiến nghị sắp tới cần có những cuộc làm việc cụ thể với nhà thầu, đơn vị thi công bàn kế hoạch sẽ mua bao nhiêu để chủ mỏ có cơ sở nâng công suất khai thác. Các chủ mỏ cũng cho rằng, khoáng sản của Bình Thuận thường đất lẫn đá, trong đó lượng đá non rất lớn. Đi qua địa bàn có đặc thù như thế, với yêu cầu đắp cao nền đường cao tốc có cần thiết phải dùng đất cấp 3 hoàn toàn không, trong khi đá non có thể là nguyên liệu thí nghiệm phục vụ cho phần đất đắp của dự án…

    
    Theo báo   cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng trữ lượng đất đắp và đá non   của 16 mỏ có tên trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án cao tốc thành   phần đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết khoảng 15,68 triệu m3.

Điều tra: Bích Nghị

Bài 2: Không chỉ hối hả trên công trường



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi công đường cao tốc qua Bình Thuận: Tìm lời giải vật liệu đắp nền phù hợp