Theo dõi trên

Theo con nước “vùng nóng”

18/05/2018, 08:51

BT- Sự lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng không nhiều và cũng không hấp dẫn lắm ấy, giờ nhờ có nước mới được mở bung, hướng đến những cây trồng có giá trị kinh tế

1. Dù đã có vài cơn mưa đầu mùa nhưng không vì thế mà trời Hàm Tân dịu nắng. Tại hồ Sông Dinh 3 này, nơi đang có một túi nước khổng lồ với gần 10 triệu khối vẫn không khiến không gian mát hơn. Nắng tháng 5 cứ như nhảy múa theo mọi chuyển động, dù chúng tôi đang đi trên bờ kênh chính Tây, dưới kênh dòng nước đang chảy im lìm ngon trớn. Bây giờ, đang vào vụ sản xuất hè thu. Cộng thêm, nước về khiến đất hai bên bờ kênh như trở mình. Đoạn này, mấy vườn cây ăn trái tổng hợp đã hình thành, những xoài, mít... đang vươn xanh. Đoạn kia, các vườn thanh long có dây đã vượt đầu trụ mơn mởn, những mảnh ruộng lúa xanh um đang thì con gái, không phân định được thuộc vụ nào. Có lẽ khi tuyến kênh chính Tây mở nước thì người dân có đất ven kênh mê có lúa quá đã tận dụng xuống giống tự do. Rồi khúc này, ven đường là một dải xanh mát những đu đủ với trái là trái treo lủng lẳng gần như hết thân cây, quả nào quả nấy nặng từ cả ký trở lên. Không ngờ vùng đất này quá phù hợp với cây đu đủ…

                
Công trình thủy lợi hồ Sông Dinh 3. Ảnh:    Ngọc Lân

 Thấy chúng tôi trầm trồ đếm số lượng trái trên cây, vợ chồng anh Hiền, nhà ở xã Tân Xuân là chủ nhân của vườn đu đủ nói rằng, đất này đã trồng rừng nhiều năm nên rất tốt với các loại cây trồng khác. Cộng thêm sự quan tâm chăm sóc thì lại càng tốt hơn. Nhìn vật dụng hàng ngày để trên bờ, rồi khung cảnh giàn gỗ bắc qua kênh để có thể ngồi chơi, để có thể xách gàu nước cột sẵn dưới kênh lên tưới cây bất cứ lúc nào…rất quy củ, tôi nghĩ vợ chồng anh ở lại vườn ven kênh này nhiều hơn ở nhà. Như đọc được suy nghĩ ấy của tôi, vợ anh Hiền nói mà như kể lể nỗi lòng. “Lâu lâu đoán tụi nhỏ hết gạo, hết tiền thì xẹt về nhà một chút rồi đi liền. Vườn rẫy không ai trông coi, lại lúc đang ngổn ngang, lo lắm”. Anh Hiền đang róc vỏ cây keo lai vừa thu hoạch hôm qua bàn kế hoạch với vợ cứ như không có người ngoài. “Ngày mai, bà kêu người chặt đám keo lai trong kia để xuống xoài Đài Loan, mít Thái Lan xem sao. Nghe nói, xoài Đài Loan vụ rồi có giá cao lắm”. Cách tính toán chuyển đổi cây trồng của vợ chồng anh Hiền rất khí thế, vì vừa rồi vợ chồng anh được đền bù khoảng 1 ha đất keo lá tràm, còn lại gần 2 ha, trong đó một ít đã chuyển sang trồng đủ đủ… Nhiều gia đình khác có đất nằm ven tuyến kênh này cũng đang ở trạng thái như thế. Không khí chuyển đổi cây trồng hừng hực, vì ai có đất ở đây cũng cảm nhận những thuận lợi đã hội tụ. Trước đây, vùng đất này vì không có nước nên dân trồng mì năm này qua năm khác. Chịu cảnh “lên bờ xuống ruộng” nhưng không khấm khá nổi, đất cứ bạc màu thấy rõ theo sản phẩm thu hoạch từng vụ. Rồi họ chuyển sang trồng rừng. Không mất nhiều chi phí, không hồi họp lắm về giá cả mỗi khi thu hoạch, trồng rừng như bỏ hũ bít tiết kiệm nên diện tích rừng dân tự trồng cứ mở rộng dần. Sự lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng không nhiều và cũng không hấp dẫn lắm ấy, giờ nhờ có nước mới được mở bung, hướng đến những cây trồng có giá trị kinh tế. Chỉ trong một thời gian ngắn, khi tin nước hồ sông Dinh 3 được dẫn về đập Cô Kiều, thì dọc theo tuyến kênh dài 16 km này và ven sông Dinh đã có hơn 800 ha cây ăn trái các loại xuất hiện. Không kể những diện tích lúa được tưới từ đập Cô Kiều lâu nay, giờ được ổn định hơn, vì có nguồn nước tiếp sức.

 2. Chúng tôi tiếp tục đi trên đường ven kênh. Đoạn kênh bị sập một dạo gây khó khăn, kéo dài hơn việc chuyển nước từ hồ sông Dinh 3 về đập Cô Kiều đây rồi. Sau khắc phục, gia cố, bây giờ cầu máng số 3 này đã bình thường như những đoạn kênh khác, ít nhất là nước vẫn chảy qua đây ổn. Nhớ lại lúc ấy, sự cố trên xảy ra khiến những ai biết công trình hồ Sông Dinh 3 đều suy nghĩ như tì vết chưa dứt. Chuyện tụ tập đông người, kiện tụng liên quan đến đền bù trước đó tại lòng hồ dai dẳng mấy năm trời, nóng ran như khí hậu của tháng 5 này… “Bây giờ, không ai muốn nhớ nữa. Mà thôi, cũng đừng nhớ nữa. Nhìn hiện tại, có nước mở ra một vùng đất, kinh tế phát triển, nâng cao mức sống người dân. Hạnh phúc rất lớn so với nỗi buồn trước đây”- anh Võ Trần Đức Thảo, Trưởng trạm Sông Dinh nói vậy. Tôi đồng ý với Thảo, nên nhìn hiện tại, thay vì quá khứ. Hồ Sông Dinh 3 từ khi Công ty NHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tiếp quản đã tích nước nên mùa khô này, Hàm Tân và La Gi không bị thiếu nước sinh hoạt và ngay cả sản xuất nông nghiệp cũng khởi sắc. Đó là chuyện mới diễn ra trong năm nay, người dân sống ở đây cảm nhận như thế. Còn tôi, người viết bài về nỗi buồn hồ thủy lợi này lúc 6 năm trước thấy rằng bây giờ nên sửa lại tít bài là “Niềm vui Sông Dinh 3”. 

Ghi chép: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Theo con nước “vùng nóng”