Theo dõi trên

Thêm khó khăn để gỡ “thẻ vàng” EC

29/09/2021, 07:58

BT- Với mục tiêu cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, vừa đảm bảo lợi ích, sinh kế lâu dài của ngư dân, vừa bảo vệ uy tín ngành thủy sản Việt Nam, Bình Thuận trong 4 năm qua đã có nhiều nỗ lực và xác định phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu. Tuy nhiên, để khắc phục các tồn tại, hạn chế theo 4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), đặc biệt là những vấn đề đang nổi lên làm ảnh hưởng đến kết quả, nỗ lực phòng chống khai thác IUU của tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề nan giải.

Bài 1: Chỉ vì tàu Bình Thuận nhưng hoạt động ở tỉnh khác

Không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là 1 trong 4 nhóm khuyến nghị của EC bắt buộc Việt Nam phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng này. Nếu không thì kiên quyết không rút “thẻ vàng”.

Tuyên truyền cho ngư dân nâng cao nhận thức về chống khai thác IUU. Ảnh: N.Lân.

Quyết liệt nhiều giải pháp...

Sau gần 2 năm quyết tâm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, nay Bình Thuận lại xuất hiện tàu cá mon men đánh bắt vùng biển giáp ranh, bị nước ngoài bắt giữ, bất chấp sự cảnh báo của cơ quan chức năng, làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung của tỉnh, của cả nước trong việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Việc ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cả hệ thống chính trị. Các đơn vị chức năng và địa phương trong những năm qua đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kết hợp công tác tuyên truyền với quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển. Triển khai cho 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Rà soát, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt. Việc xử lý tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đã được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh hình thức xử phạt chính, áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, đưa ra khỏi danh sách đăng ký hoạt động vùng biển xa, dừng tất cả các chính sách hỗ trợ đối với tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thông qua nhiều giải pháp quyết liệt, tỉnh đã từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Số vụ vi phạm, số tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý đã giảm qua từng năm. Đặc biệt, gần 2 năm, từ tháng 7/2019 đến giữa năm 2021, Bình Thuận không phát hiện tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

 Bỗng nhiên có tàu vi phạm

Tuy nhiên, từ giữa năm 2021 đến nay, thông qua công tác nghiệp vụ và nhiều kênh thông tin, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 1 tàu cá Bình Thuận bị nước ngoài bắt giữ. Đó là tàu cá BTh - 97969 - TS/12 lao động do Nguyễn Thị Nguyệt (khu phố 3, Lạc Đạo, Phan Thiết) làm chủ. Thuyền trưởng là Nguyễn Ngọc Lợi (SN 1974 - Long Hải, Phú Quý). Tàu này thường xuyên neo đậu, lưu trú tại Cà Mau, xuất bến tại Cảng cá Sông Đốc/Cà Mau ngày 15/6/2021 đi hoạt động trên biển và bị phía Malaysia bắt giữ ngày 4/7/2021. Đáng chú ý là trước khi xuất bến, vào ngày 8/5/2021, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã kiểm tra phát hiện tàu cá này chở 2 người nhập cảnh trái phép bằng đường biển từ Malaysia về Việt Nam và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng số tiền phạt là 20 triệu đồng về hành vi giúp đỡ, tạo điều kiện cho người khác qua lại biên giới quốc gia trái phép.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 2 trường hợp khác nghi ngờ đang bị bắt giữ. Đó là tàu cá BTh-97888-TS/13 lao động cũng do Nguyễn Thị Nguyệt (khu phố 3, Lạc Đạo, Phan Thiết) làm chủ. Thuyền trưởng là Nguyễn Tấn Sanh (SN 1988 - Long Hải, Phú Quý); tàu cá xuất bến ngày 8/9/2020 tại Cảng cá Phan Thiết nghi bị Malaysia bắt giữ khoảng tháng 10/2020. Và 1 tàu nữa BTh – 96930 - TS/7 lao động do Trần Văn Phương (SN 1975 - Phước Hội, La Gi) làm chủ kiêm thuyền trưởng. Tàu này thường xuyên neo đậu, lưu trú tại Bạc Liêu, xuất bến tại Gành Hào - Bạc Liêu ngày 27/4/2021, nghi ngờ bị phía Malaysia bắt trên vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia khoảng tháng 5/2021.

Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thường lưu trú, hoạt động ngoài tỉnh. Ảnh: N.Lân

Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các tàu cá này thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh nên việc quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Qua sự việc trên cho thấy, công tác quản lý tàu cá đăng ký trong tỉnh thường xuyên hoạt động, lưu trú ngoài tỉnh đang bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ ở cả 2 đầu nơi đi và nơi đến. Bên cạnh đó, công tác trao đổi, phối hợp, xử lý thông tin tàu cá hoạt động ngoài tỉnh chưa tốt. Thậm chí có những tàu cá thuộc đối tượng có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, không đủ điều kiện hoạt động theo quy định nhưng vẫn hoạt động ở ngoài tỉnh trong một thời gian mà các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng và địa phương không nắm bắt được. Điển hình là trường hợp 2 tàu cá BTh 98589 TS và BTh 99918 TS của Công ty TNHH Hòa Thuận (TP. Phan Thiết) thường xuyên hoạt động, lưu trú ngoài tỉnh nhưng không có giấy phép khai thác thủy sản, không lắp đặt thiết bị VMS trên tàu, công ty đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh từ năm 2014.

Đối với tàu cá của bà Nguyễn Thị Nguyệt (Khu phố 3 – Lạc Đạo), lãnh đạo TP. Phan Thiết cho biết, bà Nguyệt có đến 5 tàu cá đều hoạt động, xuất bến ngoài tỉnh và có dấu hiệu vi phạm theo hệ thống khi lần lượt các tàu thường xuyên đánh bắt vùng biển chồng lấn. Hiện nay, 2 vợ chồng bà Nguyệt đang ở nước ngoài, vì thế lực lượng chức năng chưa liên lạc được để xử lý theo quy định, chỉ mới xử phạt thuyền trưởng.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm khó khăn để gỡ “thẻ vàng” EC