Theo dõi trên

Thay đổi tư duy làm nông nghiệp ở Tánh Linh

30/10/2018, 10:17

BT- Sản xuất nông nghiệp ở Tánh Linh tập trung vào tăng chất lượng và chuỗi giá trị gia tăng, hình thành các chuỗi liên kết làm cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và kêu gọi các doanh nghiệp vào tham gia…

                
   Tánh Linh tăng giá trị sản phẩm nông    nghiệp theo liên kết chuỗi, vùng chuyên canh.

Vùng chuyên canh

Tánh Linh là huyện miền núi nằm phía Nam của tỉnh, có dòng sông La Ngà bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh tỉnh Lâm Đồng chảy qua dài chừng 50 km, là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp toàn huyện. Tánh Linh còn có thêm nhiều sông, suối, ao hồ nên nguồn nước khá dồi dào thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Khai thác hiệu quả lợi thế này, Tánh Linh duy trì canh tác ổn định 11.000 ha lúa và được xem là một trong những vựa lúa trọng điểm của tỉnh. Nếu trước đây trên đồng “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, thì nay 90% diện tích gieo trồng huyện đã được cơ giới hóa từ khâu làm đất, đến thu hoạch vận chuyển, tưới tiêu, máy móc đã làm thay cho sức người.

Một bước tiến khá rõ nét trong sản xuất nông nghiệp ở Tánh Linh là địa phương xác định được cây trồng chủ lực tập trung và áp dụng tiến bộ sản xuất, hình thành chuỗi liên kết để tăng giá trị sản phẩm. Đây là kết quả khá nổi bật trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của huyện trong 10 năm qua (2008 – 2017). Sản lượng lương thực năm 2017 đạt 189.000 tấn, tăng gấp 4,1 lần so năm 2008 (46.000 tấn). Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2014 huyện đã quy hoạch 3.000 ha lúa chất lượng cao. Đến năm 2016, huyện bắt tay vào thực hiện cánh đồng mẫu lớn trên vùng lúa chất lượng cao. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 3.000 ha và 250 ha sản xuất lúa giống. Lúa được sản xuất tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng và sản xuất tại vụ đông xuân hàng năm. Nông dân được huyện hỗ trợ 20 – 25% giá giống, giống sử dụng là giống xác nhận Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long.

Huyện duy trì liên kết với các doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm hai sản phẩm nông nghiệp chính là lúa và bắp như: xã Nghị Đức liên kết với Công ty Công Thành sản xuất 52 ha lúa; xã Đức Bình liên kết Công ty TNHH Đại Nhật Phát sản xuất 105 ha lúa; thị trấn Lạc Tánh liên kết Công ty Sơn Hưng sản xuất 50 ha lúa… Ngoài ra, 1.900 ha đất lúa kém hiệu quả hàng năm cũng được chuyển sang trồng các loại cây màu cho hiệu quả kinh tế như đậu xanh, cây mè, ớt,… tăng thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/vụ so với làm lúa trước đây và bước đầu mời gọi các tổ chức liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Từ vùng chuyên canh cây lúa Tánh Linh đã xây dựng được nhãn hiệu chất lượng “Gạo Tánh linh” và cấp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh để cung ứng gạo ra thị trường. Và với nguyên liệu có tại chỗ của Tánh Linh khá dồi dào, nhiều xã đã mọc lên các cơ sở chế biến mủ cao su, nhân hạt điều, xay xát gạo tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. 

Cá thát lát hồ Biển Lạc

Nếu nguồn nước sông La Ngà quanh năm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thì hồ Biển Lạc là một sản vật thiên nhiên ban tặng. Trước đây, vào mùa nước nổi người dân đến đây đánh bắt cá làm kế sinh nhai. Để nguồn lợi thủy sản bền vững, người dân nghĩ đến việc thả nuôi cá lồng bè, mặt hồ Biển Lạc lại nhấp nhô những mái nhà nổi trên mặt nước. Trong diện tích gần 500 ha nuôi thủy sản nước ngọt ở Tánh Linh, nuôi lồng bè kết hợp với khai thác thủy sản ở hồ Biển Lạc chiếm 350 ha, ngoài ra người dân còn nuôi ở các ao, bàu tại vườn nhà 138 ha.

Về phía các cơ quan chuyên môn huyện cũng nỗ lực giúp dân xây dựng, trình diễn các mô hình nuôi thủy sản mới và nhân rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử, Gia An có mô hình nuôi cá thát lát cườm lồng bè theo chuỗi tại hồ Biển Lạc; nuôi cá thát lát ao đất theo chuỗi. Một số cá nhân, doanh nghiệp cũng đã lập dự án nuôi cá thát lát thương phẩm trên địa bàn các xã Đức Bình, Gia An. Với kết quả bước đầu đã liên kết được với các doanh nghiệp tiêu thụ cá thát lát ở hồ Biển Lạc. Lãnh đạo huyện cho hay sẽ phát triển cá thát lát hồ Biển Lạc thành sản phẩm đặc thù của huyện trong tương lai.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thay đổi tư duy làm nông nghiệp ở Tánh Linh