Theo dõi trên

Tháo gỡ “thẻ vàng EU”!

29/03/2018, 08:42

BT- Tháng 10/2017, Việt Nam bị Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo “thẻ vàng” với lý do “hành động không đủ để chống lại đánh bắt hải sản bất hợp pháp”. Đến hết tháng 4/2018 (hết thời hạn 6 tháng) để EU xem xét các nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ “thẻ vàng”. Cùng với cả nước, thời gian qua Bình Thuận đã có những giải pháp cấp bách ngăn chặn ngư dân đánh bắt cá bất hợp pháp.

Bài 1: “Trộm biển” - lợi trước mắt, hại dài lâu

Trọng tâm trong câu chuyện “thẻ vàng EU” là việc ngư dân đánh bắt cá bất hợp pháp. Tình trạng ngư dân trong tỉnh xâm phạm lãnh hải nước ngoài bị bắt giữ trong những năm qua diễn ra khá phức tạp. Nhiều chủ phương tiện biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cứ làm liều vì lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi ích chưa thấy, nhưng hậu quả thì khôn lường.  

                
Ngư dân đừng vì lợi ích trước mắt mà xâm    phạm lãnh hải nước ngoài.

 Trắng tay, lâm nợ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chế tài của các nước trong khu vực Đông Nam Á quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với trường hợp đánh bắt cá bất hợp pháp rất khắt khe. Khi xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ, các tàu không chỉ bị nước sở tại xử phạt (phạt tiền, phạt tù đối với thuyền trưởng), mà toàn bộ tàu, ngư lưới cụ - cần câu cơm lớn nhất của ngư dân cũng đều bị tịch thu. Do đó, chủ tàu bị xử phạt khi trở về hầu hết trắng tay, rơi vào cảnh nợ nần và đương nhiên mất luôn nguồn thu nhập để trả những khoản nợ đã vay.

Chúng tôi về cảng cá La Gi những ngày đầu tháng 3, khi nhiều ngư dân nơi đây vừa hoàn thành chuyến biển xa bờ trở về trong niềm phấn khởi, khi ghe “no” vì gặp thời tiết thuận lợi. Xen lẫn những tiếng nói cười rộn rã là những câu chuyện cũng hết sức thời sự về “thẻ vàng EU”, tàu 67, chuyện đổ nợ vì qua nước bạn đánh bắt. Nhắc đến vấn đề đang nóng bỏng này, không ai không biết trường hợp của bà Nguyễn Thị Kính (trú tại phường Phước Hội, thị xã La Gi), chủ tàu BTh 97974 TS (1 trong số 9 tàu của thị xã La Gi bị Indonesia bắt vào ngày 24/7/2016). Trong sự buồn bã, bà Kính cho biết, tàu nhà bà có công suất 500CV, đóng năm 2015, thuộc diện hỗ trợ vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ. Mỗi tháng gia đình bà phải trả cả gốc và lãi cho ngân hàng và vay ngoài hơn 40 triệu đồng. Sau khi “cần câu cơm” duy nhất bị nước bạn bắt giữ, gia đình lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Để rồi thực tế trong hơn 1 năm qua, gia đình bà đã không thể trả tiếp nợ vay cho ngân hàng và số tiền đã vay bên ngoài. Tương tự bà Kính là trường hợp ông Nguyễn Lâm (Phước Hội, thị xã La Gi), cũng có tàu bị Indonesia bắt vào ngày 24/7/2016. Sau khi trắng tay trở về, năm 2017 ông lại phải gom góp tài sản và đi vay mượn để mua lại một con tàu cũ với giá 700 triệu đồng để tiếp tục mưu sinh. “Kinh tế vốn đã khó khăn, nay lâm nợ lại càng khó khăn hơn. Giờ chỉ còn biết cố gắng làm để trả nợ, khi mà cái giá phải trả cho sự sai lầm quá lớn”, ông Lâm chua xót chia sẻ về trường hợp của mình.

 Biết sai vẫn… liều

Từ cuối năm 2015 đến nay, tình hình tàu cá và ngư dân Bình Thuận xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, thu mua hải sản trái phép bị các nước trong khu vực bắt giữ, xử phạt, tịch thu tài sản ngày càng tăng và diễn biến phức tạp. Theo thống kê, trong năm 2016 Bình Thuận có 17 vụ/24 tàu/228 ngư dân; năm 2017 có 7 vụ/10 tàu/99 ngư dân; riêng đầu năm 2018 đến nay xảy ra 1 vụ/3 tàu/23 ngư dân (các tàu này đăng kiểm tàu cá tại Bình Thuận nhưng chủ yếu cư trú và hoạt động tại vùng biển Bạc Liêu). Mới đây, qua nắm tình hình địa bàn, lực lượng chức năng huyện Phú Quý, đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 3 tàu cá có dấu hiệu chuẩn bị đi khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài để điều tra làm rõ.

                
   
Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền cho ngư    dân La Gi.

Trong số các tàu thuyền bị bắt giữ từ năm 2016 đến nay, thì La Gi và Phú Quý là hai địa phương có số phương tiện vi phạm nhiều nhất. Theo các ngư dân, không phải họ không biết hậu quả của việc khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài bị bắt giữ sẽ như thế nào? Bởi những năm qua, công tác tuyên truyền, cảnh báo được các ngành, các cấp rất quan tâm. Thậm chí thảm cảnh trắng tay của nhiều người bị bắt khi trở về địa phương như thế nào ai cũng biết. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn lợi thủy sản khai thác tại ngư trường truyền thống ngày càng suy giảm, nên vì lợi nhuận trước mắt nhiều người vẫn cố tình làm liều.

 Đừng “tham bát, bỏ mâm”

Việc bị nước ngoài bắt giữ không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của ngư dân mà cái mất lớn hơn là ảnh hưởng đến hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế, đồng thời tác động xấu đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường thế giới. Minh chứng trước mắt là hiện nay chúng ta đang phải nhận cảnh báo “thẻ vàng” từ Liên minh châu Âu (EU) đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản. Một khi tình trạng xâm phạm lãnh hải nước ngoài không được chấm dứt, thì  có thể EU  phạt “thẻ đỏ”, tức là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU. Khi đó không chỉ quốc gia, doanh nghiệp mà chính ngư dân cũng sẽ là những người bị thiệt thòi lớn, bởi sản phẩm mà họ làm ra sẽ ít có sự lựa chọn thị trường tiêu thụ, giá trị sản phẩm sẽ giảm đi. Và lúc đó, hậu quả của việc hàng thủy sản xuất khẩu lại phải phụ thuộc vào một thị trường nào đó như thanh long hiện nay sẽ là điều không mấy tốt đẹp. Do vậy, chính bản thân các ngư dân cũng cần tự ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không nên làm ảnh hưởng đến kế sinh nhai lâu dài của mình và của cả nước. 

Điều tra của Đình Nhượng – Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ “thẻ vàng EU”!