Theo dõi trên

Thanh long “khát hàng”, tăng giá

16/10/2017, 08:26

BT- Đang bắt đầu vào vụ chong đèn, lại gặp thời tiết bất lợi, gây ngập lụt, khiến nhiều diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh giảm sản lượng. Đây cũng là một trong những lý do khiến thanh long thời gian gần đây có giá khá cao so thời điểm này năm ngoái.

                
Thanh long chong đèn đang kỳ trổ bông tại    Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc.

“Hụt” lứa

Cách đây ít ngày, một số hộ trồng thanh long tại 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc cho biết, giá thanh long những ngày qua tăng thêm (từ 7.000 - 8.000 đồng cùng thời điểm năm ngoái) lên bình quân từ 18.000 đồng đến 22.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá cao được cho là thanh long đang hiếm hàng.

Đơn cử như gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn 5, xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc có trên 1.000 trụ thanh long. Bà mới nghỉ chong đèn trên diện tích 200 trụ và đang thời kỳ cho búp. Diện tích còn lại, bà đang tính sẽ tiếp tục chong đèn, nhưng do ảnh hưởng của cơn mưa lớn mấy ngày qua, gây ngập hết diện tích, cuốn trôi hết phân đạm gia đình mới bón. Bà Thanh tiếc nuối: “Năm ngoái thời điểm này giá thanh long rẻ nên tôi không vội chong. Ai ngờ năm nay có giá cao, lại không có hàng bán”. Cùng chung tình trạng, gia đình anh Nguyễn Trung Toàn (thôn Kim Bình, xã Hàm Thắng) có hơn 1.000 trụ thanh long hiện đang trong thời kỳ chong điện được 20 ngày, cây đang thời kỳ trổ bông và dự kiến sắp tới sẽ có lứa hàng chạy chỉ.

 Anh Toàn cho biết: “Hiện thanh long có giá cao nhưng gia đình tôi và rất nhiều hộ khác bị “hụt” lứa, không có hàng bán nên rất tiếc”.

Riêng gia đình chị Lê Thị Thủy ở xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc dù chỉ có hơn 200 trụ thanh long, nhưng vừa trúng lứa cuối hàng mùa, bán được giá 18.000 đồng nên có lãi khá. Hiện nay chị đang bắt đầu chong đèn và hy vọng thời gian tới giá bán thanh long sẽ tiếp tục được cải thiện.

Khai thác đi đôi với chăm sóc

Một cán bộ thuộc Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Hiện đang bắt đầu vào vụ chong đèn nhưng tình hình thời tiết nhiều khó khăn. Những ngày qua nhiều diện tích thanh long bị ngập, khiến việc bón phân, đạm, phun thuốc đều gặp khó. Đây cũng là điều kiện để bệnh đốm nâu phát triển. Tuy nhiên nhờ bà con vệ sinh vườn sạch sẽ, chăm sóc đúng cách nên diện tích đốm nâu của huyện đang có xu hướng giảm.

Về phía Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Trần Minh Tân - Chi cục phó cho biết, diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu toàn tỉnh có gần 4.000 ha, trong đó nhiễm nhẹ 3.464 ha, nhiễm trung bình 456 ha và nhiễm nặng 14 ha, so với cùng kỳ năm 2016 giảm 1.244 ha.  Ngoài ra, các bệnh thối rễ, teo tóp cành đang có diện tích nhiễm 264 ha, phân bố tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, thành Phố Phan Thiết và thị xã La Gi. Với diễn biến thời tiết hiện nay, bệnh đốm nâu, thán thư, bệnh vàng cành, thối cành và bệnh thối rễ, tóp cành tiếp tục phát sinh gây hại trên các vườn thanh long. Do đó, lãnh đạo chi cục đề nghị Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện cần tăng cường theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn; tuyên truyền, phổ biến “Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long” cho người dân biết và áp dụng. Đối với bệnh thối rễ, teo tóp cành, cần xử lý nguồn bệnh bằng thuốc BVTV (thuốc trừ nấm + thuốc trừ tuyến trùng) và phục hồi bộ rễ bằng các thuốc kích thích sinh trưởng hoặc các loại phân bón có khả năng kích thích ra rễ. Đối với những cây bị nặng có thể phun thêm phân bón qua lá để hồi phục. Sau khi cây đã phục hồi rễ có thể bón thêm các phân có chứa hàm lượng lân cao như: Super lân, lân nung chảy, lân phosphorite... hoặc bón thêm phân hữu cơ khoáng hay hữu cơ vi sinh, tránh bón phân NPK, vôi với hàm lượng cao dễ gây tổn thương ở rễ mới hồi phục. Riêng với bệnh thán thư cành, quả thanh long, cần tiến hành vệ sinh vườn, tỉa cành cho cây thông thoáng và sử dụng các loại thuốc đặc trị để phun phòng bệnh khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển (mưa nhiều, ẩm độ cao, có sương mù).

Mặt khác, hiện nay giá thanh long đang lên cao, khiến không ít hộ nông dân chong đèn liên tục trong thời gian dài để thu lợi nhuận. Trong đó, có nhiều diện tích do gốc thanh long còn yếu bởi sâu bệnh, nên hiệu quả chong đèn không cao, thậm chí không ra trái. Vì vậy, bà con cần cân nhắc giữa lợi nhuận và tình hình sinh trưởng của cây thanh long. Nhất là trước sự biến động thất thường của thị trường tiêu thụ, giá thanh long chong đèn sẽ liên tục “trồi” lên, “sụt” xuống bất cứ khi nào.

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long “khát hàng”, tăng giá