Theo dõi trên

Tập trung tái canh, cải tạo vườn điều

28/11/2017, 08:19

BT- Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới. Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta thì hạt điều đang đứng thứ tư sau gạo, cà phê và cao su. Tuy nhiên, hiện ngành điều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đe dọa tới sự phát triển bền vững của ngành này.

Thách thức lớn nhất là diện tích điều ngày càng giảm, từ 440 nghìn ha năm 2007 xuống còn 300 nghìn ha năm 2017, cùng với đó là diện tích điều già cỗi, lẫn giống sinh trưởng kém chiếm tỷ lệ lớn, là tình trạng hạn hán, mưa trái mùa tác động rất lớn đến cây điều, cùng với sự xuất hiện của sâu bệnh làm giảm năng suất, sản lượng, như năm 2016 sản lượng điều của nước ta giảm 16,67% so năm 2015, qua năm 2017 sản lượng giảm 31,36% so năm 2016.

Bình Thuận là một trong 4 tỉnh có diện tích điều lớn nhất cả nước với trên 17 nghìn ha, sau Bình Phước (135 nghìn ha) Đồng Nai (40 nghìn ha) và trên Bà Rịa - Vũng Tàu (8 nghìn ha). Tuy có diện tích khá lớn nhưng phần lớn được bố trí trên chân đất không thuận lợi, đất xấu, không có nước tưới, khó có điều kiện thâm canh; hầu hết điều được trồng bằng cây thực sinh, giống chất lượng kém, không được chọn lọc. Các giống này có đặc điểm ít quả, quả nhỏ, dễ nhiễm sâu bệnh, ra hoa tập trung trong thời gian ngắn dễ bị ảnh hưởng của thời tiết bất lợi như mưa trái vụ lúc ra hoa…Vì vậy năng suất rất thấp với khoảng 6 - 7 tạ/ha so với bình quân cả nước là 9,1 tạ/ha.

Có thể nói ít có mặt hàng nông sản nào có thị trường tiêu thụ rộng lớn và nhu cầu cao như hạt điều nhân. Tốc độ tăng trưởng của nguồn cung điều hằng năm chỉ đạt 3,5%/năm, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng là 6%/năm. Việt Nam là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới (dự kiến năm 2017 đạt 3 tỷ USD) chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu điều toàn cầu và có kim ngạch cao hơn cả dầu thô, nhưng sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được từ 20 đến 25% nguồn nguyên liệu chế biến, còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài như Tây Phi, Indonesia, Campuchia.

Tình hình trên cho thấy việc phát triển cây điều theo hướng bền vững là sự lựa chọn ưu tiên của ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Bình Thuận đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng sản lượng điều lên khoảng 20.400 - 25.500 tấn, gấp 2 - 2,5 lần sản lượng hiện nay. Để đạt được sản lượng như dự kiến, trong lúc diện tích không tăng (với khoảng 17 nghìn ha), thì đòi hỏi phải tăng năng suất lên gấp 2-2,5 lần so với hiện tại tức phải đạt từ 12-15 tạ/ha.

Để nâng cao năng suất, chất lượng cây điều thì việc tái canh, nâng cao chất lượng giống điều, trồng mới là một trong những biện pháp quan trọng nhất. Thực tiễn cho thấy, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất điều  có thể gấp đôi và nâng cao được hiệu quả sử dụng đất; thâm canh còn giúp vườn cây thích ứng tốt biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng của mưa trái mùa. Quy mô, phạm vi mở rộng thâm canh điều trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, chi phí không cao. Để tăng hiệu quả, cần phải đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh, tái canh và ghép cải tạo hướng dẫn người dân phòng trừ dịch hại. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất và mua bán giống điều ghép để hạn chế mua bán giống điều không rõ nguồn gốc, đây là vấn đề chính để có vườn điều chất lượng cao. Chính quyền các địa phương cần thúc đẩy việc hình thành tổ chức sản xuất của người trồng điều, các đơn vị có liên quan vận động các doanh nghiệp xúc tiến liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân để thấy rõ hiệu quả, lợi ích của việc tái canh, cải tạo phát triển vườn điều để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất cây điều, từ đó tự nguyện bỏ vốn đầu tư để thực hiện tái canh, cải tạo vườn điều; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay trung hạn, ngắn hạn để đầu tư sản xuất. Nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ điều trong nước, dự báo thị trường ngoài nước để định hướng cho người sản xuất và doanh nghiệp chế biến điều để có hướng đi phù hợp, hiệu quả.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập trung tái canh, cải tạo vườn điều