Theo dõi trên

Tạo thuận lợi phát triển điện mặt trời

19/01/2017, 09:43

BT- Đề án “Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) lập theo chủ trương của tỉnh. Mới đây, đề án này cũng được Sở Công Thương tiến hành lấy ý kiến các sở ngành, địa phương liên quan để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo và báo cáo đến tập thể lãnh đạo UBND tỉnh. Theo đó quan điểm quy hoạch phát triển trong thời gian tới là tạo điều kiện thuận lợi, huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia nhằm khai thác hiệu quả lợi thế so sánh về tài nguyên năng lượng mặt trời tại Bình Thuận…

                
      
Dự án điện mặt trời thường được đầu tư ở    những khu vực hoang hóa, ít có khả năng sản xuất nông nghiệp.    

 Đánh giá của Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 cho thấy, tiềm năng năng lượng mặt trời trên địa bàn Bình Thuận là rất lớn, có thể đạt tổng công suất thiết kế lên đến 4.754,5 MW. Đặc biệt khi khai thác nguồn năng lượng sạch này, các nhà máy điện mặt trời thường được đầu tư ở những khu vực đất hoang hóa, đồi cát hoặc đất ít có khả năng sản xuất nông nghiệp nên hầu như không gây ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường. Nhờ đó góp phần phát triển ngành công nghiệp năng lượng, tăng thêm nguồn điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Với đề án “Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, công suất lắp đặt trong vài năm tới sẽ đạt xấp xỉ 967,5 MW (tương ứng sản lượng điện khoảng 1.491 triệu kWh). Còn đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn tỉnh được quy hoạch đạt 2.327 MW (tương ứng 3.586 triệu kWh) và tiếp tục nâng lên 3.819,5 MW (tương ứng 5.886 triệu kWh) vào năm 2030. Để khai thác hiệu quả tổng quy mô công suất theo quy hoạch phát triển điện mặt trời tại Bình Thuận, nhu cầu nguồn vốn đầu tư cũng rất lớn với hơn 100.000 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2017 - 2020 là gần 27.620 tỷ đồng…

Dù vậy, phát triển năng lượng điện mặt trời tại Việt Nam nói chung còn khá mới mẻ, hiện chỉ có Bình Thuận là địa phương “tiên phong” tiến hành quy hoạch và tiếp tục trình Bộ Công Thương phê duyệt. Thế nên những giải pháp về hỗ trợ đầu tư, phát triển nguồn nhân lực cũng được đề án tính đến để đảm bảo tiến độ cho các dự án, phù hợp quy hoạch theo từng giai đoạn. Như vấn đề lập quy hoạch chi tiết, phân vùng, khoanh vùng phát triển dự án điện mặt trời, bao gồm cả quy hoạch lưới điện đồng bộ đấu nối với lưới điện quốc gia. Đồng thời công bố quy hoạch những vị trí đầu tư điện mặt trời nhằm kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia, trong đó có thu hút nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA, vốn phát triển năng lượng tái tạo... Đối với nguồn nhân lực, đề án quy hoạch chú trọng việc nâng cao năng lực quản lý ở địa phương, cử cán bộ tham gia đào tạo quản lý dự án, hợp tác các tổ chức quốc tế trong phát triển năng lượng mặt trời.

Qua khảo sát của đơn vị tư vấn, được biết hiện nay trên toàn địa bàn Bình Thuận có hơn 40 vị trí quy hoạch đưa vào danh mục thu hút dự án điện mặt trời với nhu cầu sử dụng đất khoảng 7.733 ha. Trong đó tập trung nhiều nhất là ở khu vực Bắc Bình với 17 vị trí, tại khu vực Tuy Phong có 11 vị trí, khu vực Hàm Tân và La Gi là 10 vị trí, số ít vị trí còn lại thuộc khu vực Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Phú Quý… Như vậy, đề án “Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nếu được cấp thẩm quyền sớm phê duyệt sẽ tạo thuận lợi cho hàng loạt dự án khởi động, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào vận hành để mang lại hiệu quả thiết thực cho địa phương. 

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo thuận lợi phát triển điện mặt trời