Theo dõi trên

Tạo gắn kết nhờ giao khoán, bảo vệ rừng

05/12/2019, 09:57

BT- Theo đánh giá của ngành lâm nghiệp tỉnh, việc đưa diện tích rừng tự nhiên vào giao khoán đã giải quyết phần nào cuộc sống khó khăn cho người dân gần rừng. Đồng thời, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân vùng rừng với chủ rừng và chính quyền địa phương…

                
Kiểm tra, bảo vệ rừng.

Xã hội hóa lâm nghiệp

Bình Thuận là một trong những tỉnh còn gần 40% diện tích tự nhiên là rừng.  Thời quan qua, tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách của Chính phủ, nhằm quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng. Ngoài ra công tác giao đất, giao rừng, giao khoán đất lâm nghiệp thực hiện theo hướng xã hội hóa lâm nghiệp, gắn với kinh tế rừng và kinh tế - xã hội miền núi. Bằng cách giao rừng tự nhiên đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào. Được biết, hiện tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 360.259 ha cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Toàn tỉnh hiện đưa vào giao khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP là 3.367 ha. Theo đó, việc giao khoán đất lâm nghiệp đã huy động được nguồn vốn, lao động của bên nhận khoán, nâng cao hiệu quả sản xuất. Mục tiêu, góp phần hạn chế việc phá rừng làm rẫy trái phép, tận dụng hiệu quả quỹ đất trống để đầu tư phát triển rừng, đảm bảo độ che phủ của rừng. Song song hạn chế thiên tai, lũ lụt, góp phần cải thiện môi trường sống, đảm bảo cho các hộ gia đình nhận khoán yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Mặt khác, mối liên kết cộng đồng trách nhiệm giữa bà con nhận khoán, bảo vệ rừng và chủ rừng được tốt hơn.

Tăng năng lực cạnh tranh

Đại diện ngành lâm nghiệp tỉnh cho hay, từ năm 2009 đến nay, từ các nguồn vốn khác nhau, toàn tỉnh đã trồng gần 50.000 ha rừng các loại, với tỷ lệ thành rừng đạt bình quân gần 80%. Theo kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành và chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh, đến năm 2020 ngành lâm nghiệp có thể đạt mục tiêu trong việc trồng 44.000 ha rừng trồng tập trung, trong đó rừng sản xuất 38.500 ha. Nhờ vậy, khả năng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến từ rừng trồng toàn tỉnh khá lớn, tổng trữ lượng rừng sản xuất ước đạt 601.917 m3, với giá trị bình quân 200.000 đồng/m3. Tuy vậy, việc đối mặt với những khó khăn thách thức không nhỏ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững, đặc biệt là các hoạt động tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Thực tế hiện nay rừng vẫn chưa được quản lý, bảo vệ tốt, tài nguyên rừng ngày càng bị suy giảm, có nơi không còn. Đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép sử dụng vào mục đích khác, nhất là ở những vùng xa, vùng giáp ranh với các tỉnh và vùng ven biển có tiềm năng phát triển du lịch. Song song, ngành công nghiệp chế biến lâm sản chủ yếu tự phát, chưa vững chắc, thiếu quy hoạch và tầm nhìn chiến lược, tính cạnh tranh chưa cao. Quan trọng không kém là sự liên kết và phân công sản xuất chưa tốt, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường, thiếu vốn đầu tư cho phát triển và hiện đại hóa công nghệ.

Chính vì vậy, ngành lâm nghiệp tỉnh đã và đang từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ ổn định diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh trên 336.300 ha. Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp thông qua trồng 44.000 ha rừng tập trung. Từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. 

    
    Đến nay,   ngành lâm nghiệp tỉnh đã hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng   theo quyết định của UBND tỉnh. Cụ thể, đến năm 2020 toàn tỉnh có 338.349   ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó chức năng phòng hộ là 136.170   ha, đặc dụng là 32.436 ha và sản xuất 169.743 ha.  Độ che phủ rừng liên   tục tăng dần qua các năm, từ 35,8% năm 2009, đã đạt 42,2% vào năm 2019.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo gắn kết nhờ giao khoán, bảo vệ rừng