Theo dõi trên

Tận dụng cơ hội để phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế

21/10/2021, 06:51 - Lượt đọc: 12

BT- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và nền kinh tế của tỉnh Bình Thuận nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong khó khăn đó chúng ta vẫn có những điểm sáng để tận dụng cơ hội phục hồi và phát triển. Phải khẳng định rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, không ít doanh nghiệp của tỉnh gặp khó khăn do dịch, nhưng nhìn chung đây vẫn là vấn đề tạm thời. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại với quan điểm chống dịch đúng đắn của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 thì tình hình sẽ sớm cải thiện.

Sản xuất hàng xuất khẩu ở Khu công nghiệp Hàm Kiệm. Ảnh: N.Lân

Các doanh nghiệp khi đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã tính toán rất kỹ triển vọng lâu dài, không vì một vài khó khăn trước mắt, ngắn hạn mà họ thay đổi chiến lược đầu tư. Với một chính quyền tận tâm trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, coi thành công của nhà đầu tư là thành công của chính mình hay lợi thế thị trường lớn, dồi dào, tỉnh Bình Thuận vẫn là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh tỉnh xác định rủi ro về dịch bệnh vẫn còn, thì việc triển khai mạnh dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số, chữ ký số, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực này là hết sức cần thiết.  Qua đó, các doanh nghiệp có thể cải tiến cách thức quản trị, chiến lược kinh doanh với các mô hình kinh doanh thông minh, thích ứng hiệu quả tận dụng tốt cơ hội của các cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 Khi chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội ngay khi có điều kiện theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh đã dần hoạt động trở lại. Vấn đề ở đây là ở các địa phương phải triển khai vừa cẩn trọng, vừa dứt khoát theo đúng tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Ưu tiên trước hết vẫn phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch nhưng cũng cần đưa ra các điều kiện an toàn và lộ trình phù hợp để mở cửa trở lại nền kinh tế. Doanh nghiệp cần sớm quay trở lại sản xuất đơn hàng cho dịp cuối năm, các ngày lễ, tết, tranh thủ kết nối lại chuỗi cung ứng…

Thời gian qua, bên cạnh nỗ lực chống dịch, lãnh đạo tỉnh còn thường xuyên gặp gỡ đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Thực tế cho thấy, bên cạnh chống dịch quyết liệt, tỉnh đã và đang khẩn trương xây dựng, ban hành các chương trình kế hoạch lớn đa dạng, mục tiêu là dồn các nguồn lực bao gồm cả ngân sách để tạo cú hích mạnh giúp phục hồi kinh tế của tỉnh. Đặc biệt là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội. Dù vậy, tác động tiêu cực từ đại dịch đến nền kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Thế nên, địa phương cùng các sở, ngành chức năng đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển bình đẳng. Địa phương cũng kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan đề ra những giải pháp, nhiệm vụ cấp bách nhằm phục hồi kinh tế như: Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu. Tích cực đẩy mạnh công tác thông tin dự báo thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó để ổn định và duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm cho người lao động...

Điều mà ai cũng nhận thấy đó là, trong năm 2021 tỉnh Bình Thuận tiếp tục quan tâm thực hiện một số giải pháp trọng tâm nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các sở, ngành triển khai chính sách hỗ trợ đội ngũ doanh nhân phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mặt khác còn nghiên cứu ban hành chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Bình Thuận. Theo trách nhiệm được phân công, các sở, ngành liên quan như: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp... cũng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Chính vì thế, nửa năm đầu của năm 2021, trong điều kiện còn nhiều khó khăn chung cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, song với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội nhìn chung ổn định, có chuyển biến tiến bộ, đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Nổi rõ là kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 7,53% so cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định, hầu hết các sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm trước, sản xuất nông nghiệp có nhiều cố gắng.

Là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, sau nhiều tháng “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, sắp tới du lịch Bình Thuận sẽ mở cửa đón khách trở lại phù hợp với trạng thái bình thường mới ở địa phương. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, cùng với đó tỉnh chủ động và tập trung triển khai các biện pháp tích cực phòng chống dịch Covid-19 và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là vừa chống dịch Covid – 19, vừa phát triển kinh tế hiệu quả…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tận dụng cơ hội để phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế