Theo dõi trên

Tái cơ cấu lại sản xuất:

17/09/2021, 08:49

Mấu chốt quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại

BT- Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong dự thảo Nghị quyết “Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao”của Tỉnh ủy Bình Thuận sắp ban hành là cơ cấu lại sản xuất các lĩnh vực. Mục tiêu nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng…

Phát triển toàn diện

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 356.746 ha, bờ biển dài và vùng lãnh hải rộng lớn, Bình Thuận đang là địa phương có điều kiện để phát triển toàn diện ngành nông nghiệp cả 3 lĩnh vực là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. 

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hạn hán, đất đai bạc màu, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm. Kết quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa rõ nét, tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa bền vững. Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay, thị trường tiêu thụ nông sản chưa ổn định. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, việc liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp còn ít, hiệu quả chưa cao.

Chính vì vậy, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Thuận là làm sao để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ, giải pháp then chốt để phát triển ngành nông nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế của tỉnh…

Thu hoạch lúa

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh: “Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực mà chúng ta đang có tiềm năng, có kinh nghiệm phát triển. Với những chủ trương, chính sách đúng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia của người dân trong thực hiện nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước về vấn đề phát triển ngành nông nghiệp, chúng ta sẽ đạt kết quả, nông nghiệp sẽ có đóng góp lớn, trở thành trụ cột của nền kinh tế của Bình Thuận…”.

Tái cơ cấu lại sản xuất

Theo đó, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của nghị quyết là cơ cấu lại sản xuất các lĩnh vực. Ở lĩnh vực trồng trọt là cơ cấu lại quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ việc trồng giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu của tỉnh đối với các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao như thanh long, xoài, dưa lưới, nho, cam, quýt, bưởi, nhãn… Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm cây ăn trái được ưa chuộng trên thị trường, hạn chế phát triển quá lớn diện tích cây thanh long. Khuyến khích phát triển dược liệu, phấn đấu đưa dược liệu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Thuận. Về cây lúa, Bình Thuận sẽ xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh. Song song quản lý, sử dụng hiệu quả đất lúa, chuyển đổi linh hoạt giữa cây lương thực và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, có thị trường ổn định như bò thịt, gia cầm... Phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn gắn với giết mổ, chế biến tập trung để nâng cao giá trị, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Chăn nôi vịt ở Phú Lạc

Đặc biệt ở lĩnh vực thủy sản, sẽ xây dựng đề án Phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, triển khai mô hình thí điểm công nghệ nuôi hải sản trên biển với các loài có giá trị kinh tế cao dễ mở rộng thị trường tiêu thụ. Cơ cấu lại sản xuất thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng, giảm tỷ trọng sản lượng khai thác. Phát triển khai thác thủy sản xa bờ hiện đại, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần bảo vệ chủ quyền, biển đảo...

Làm tốt những nhiệm vụ đó, tái cơ cấu lại sản xuất chính là một trong những giải pháp mấu chốt quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững của tỉnh nhà.

Kiều Hằng; ảnh Ngọc Lân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái cơ cấu lại sản xuất: