Theo dõi trên

Tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp: Cần có chiến lược đột phá

23/11/2017, 08:21

BT- Thời gian qua, một trong những vấn đề trọng tâm được quan tâm là tái cơ cấu và đổi mới các mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Bước đầu đã có những thành quả nhất định, mang lại một làn gió mới cho ngành nông nghiệp. Song, về mong muốn tương lai, rõ ràng ngành nông nghiệp cần thêm những quyết định, chiến lược đột phá hơn.

                
Thanh long trồng theo công nghệ mới. Ảnh:    Đ.H

Những con số nổi bật

Nói đến nông nghiệp, chất lượng thanh long Bình Thuận trong những năm gần đây đã được quan tâm cải thiện. Đến cuối tháng 9/2017, toàn tỉnh có 7.930 ha/ 9.700 ha kế hoạch (đạt 81,7%) thanh long được cấp chứng nhận VietGAP. Bằng phương pháp ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, tưới phun, sử dụng phân hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học nhằm giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn cho trái thanh long. Theo đó, thị trường xuất khẩu thanh long  cũng chuyển dịch từ thị trường Trung Quốc sang nhiều thị trường mới như Ấn Độ, New Zealand, Chi Lê, Úc... tạo được sự đa dạng trong cơ cấu thị trường xuất khẩu; sản phẩm thanh long sấy của HTX Phan Long, Công ty cổ phần Rau quả đang xúc tiến xuất khẩu sang Mỹ, Singapore, Dubai.

Các nhóm cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, sử dụng ít nước cũng được địa phương chủ động khuyến khích phát triển như nhóm rau - đậu, nhóm thức ăn chăn nuôi. So với cây lúa, các cây trồng khác luân canh trên đất lúa đều cho lợi nhuận cao. Cây bắp 9,3 triệu đồng; lạc (đậu phộng) là 20 triệu đồng; đậu các loại 24 triệu đồng; rau là 17 triệu đồng, cỏ chăn nuôi và cây ngắn ngày khác là 25 triệu đồng cho mỗi ha. Khác với trồng trọt, chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ mới có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường; gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi với hệ thống giết mổ, chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ.

Toàn tỉnh hiện có 212 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Trong đó có khoảng 42 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đã đi vào hoạt động, 18 trang trại sử dụng chuồng kín (có điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, không khí), sàn bằng các tấm đan để điều tiết tiểu khí hậu chuồng nuôi, dễ vệ sinh cho vật nuôi. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút nhiều dự án như: dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao và nhà máy chế biến sữa của Công ty TNHH Thông Thuận tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình; dự án nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình VAC trang trại với mục tiêu chăn nuôi gà, khu giết mổ đóng gói, chế biến vi sinh, nhà kính trồng rau, củ, quả, bắp, đậu nành làm thức ăn cho chăn nuôi và đắp đập dự trữ nước nuôi cá tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong của Công ty TNHH Thương mại Trang trại Việt... góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.  

Cần bệ phóng

Thực hiện tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ở giai đoạn khởi đầu. Song nhờ sự nỗ lực, cố gắng, chủ động của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu ngành nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, một số mặt tăng trưởng khá, cơ cấu ngành nhìn chung có chuyển biến, tỷ trọng thủy sản và dịch vụ nông nghiệp tăng; các mô hình mới trong sản xuất được quan tâm triển khai đạt một số kết quả bước đầu có ý nghĩa và tác động tới chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từng bước hình thành các nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, lợi thế gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng dần chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Kinh tế nông nghiệp tiếp tục có đóng góp quan trọng trong cơ cấu GRDP của tỉnh, góp phần quan trọng để ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy vậy, quá trình thực hiện tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp vẫn còn vấp phải những hạn chế, như việc tăng trưởng nông nghiệp trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến còn phức tạp; thủy lợi phục vụ sản xuất còn bị động; tốc độ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm nông nghiệp diễn ra chậm. Việc áp dụng khoa học công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn chậm so yêu cầu, việc nhân rộng các mô hình có hiệu quả còn hạn chế; chất lượng nông sản hàng hóa tuy từng bước được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chưa đủ sức cạnh tranh. Kim ngạch xuất khẩu nông sản (chủ yếu là thanh long, cao su) chưa ổn định. Kinh tế trang trại tuy có phát triển nhưng chưa nhiều; các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ và sự gắn kết chuỗi giá trị sản phẩm chưa bền vững.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa xây dựng hướng dẫn đánh giá các chỉ tiêu thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong bộ tiêu chí. Quan trọng hơn, nguồn lực thực hiện tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn hẹp, kinh phí thiếu. Nguồn vốn đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ nông nghiệp nông thôn thấp so với nhu cầu, điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư chậm; việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn khiêm tốn.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp: Cần có chiến lược đột phá