Theo dõi trên

Tái cấu trúc kinh tế để phát triển tiềm năng

21/11/2018, 10:05

BT- Các chuyên gia kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh khi nghiên cứu về kinh tế Bình Thuận cho rằng, chuyển dịch cơ cấu của tỉnh những năm qua theo hướng tích cực nhưng nhìn chung còn chậm, một số chỉ tiêu kinh tế chưa đạt kế hoạch. Các mặt hàng của tỉnh như thanh long, cao su… đang bị cạnh tranh gay gắt, gặp bất lợi; không ít doanh nghiệp địa phương khó khăn về vốn, thị trường, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, cơ sở, doanh nghiệp các năm vừa qua đóng cửa còn nhiều. Sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thấp; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp trong tỉnh. Bởi thế, ngành công nghiệp (CN) phát triển chậm so với định hướng chiến lược của tỉnh. Trong khi các ngành sản xuất nông nghiệp chủ lực chưa vươn lên được, thu mua nguyên liệu, phát triển thị trường xuất khẩu hạn chế… Do vậy, tái cấu trúc kinh tế phải được đặt ra theo những định hướng lớn của tỉnh để phát triển lợi thế, tiềm năng...

                
Hình thành dịch vụ vận tải biển.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đến năm 2020, tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm khoảng 86,2% trong GRDP; nông nghiệp có bước phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Nhóm thực hiện đề tài “Tái cấu trúc kinh tế Bình Thuận hướng đến 2020” gồm 3 tiến sĩ: Lê Cao Thanh, Đại học Tài chính- Marketing; Lý Vinh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế Miền Đông; Nguyễn Tấn Khuyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đều cho rằng, cần tuân thủ những định hướng lớn được tỉnh xác định trong quy hoạch tổng thể của tỉnh. Đó là Bình Thuận phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 8,5%. Phát triển CN theo hướng đa dạng hóa; ưu tiên các sản phẩm CN có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, chú trọng các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế… Các chuyên gia kinh tế lưu ý, xác định rõ thứ tự ưu tiên ngành CN, đồng thời bổ sung những ngành CN mới có tiềm năng. Cụ thể những ngành cần ưu tiên tối đa (nhóm 1) đầu tư vốn ngân sách, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực quản lý, bao gồm CN năng lượng (phong điện, điện mặt trời, nhiệt điện, thủy điện), CN khai thác - chế biến sâu titan, chế biến thủy hải sản biển, chế biến xuất khẩu thanh long.

Tiếp đó là nhóm ngành cần ưu tiên nguồn lực (sau nhóm 1) là ngành khai thác, chế biến khoáng sản cát thủy tinh tại Cụm công nghiệp Thắng Hải (Hàm Tân), dầu khí vùng biển phía Nam Bình Thuận, CN phụ trợ, sản xuất: nước khoáng Vĩnh Hảo, tôm giống Tuy Phong, CN may, da giày ở các khu công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến và bảo quản thủy hải sản, CN chế biến (mủ trôm, tảo, gỗ rừng trồng)… Trong chuỗi ưu tiên này, thương mại - dịch vụ được chuyển dịch cơ cấu ngành, trước hết phát triển thế mạnh du lịch biển, với điểm nhấn Hàm Tiến - Mũi Né, thành phố Phan Thiết đã được quy hoạch trung tâm du lịch quốc gia. Tăng trưởng doanh thu ngành “công nghiệp không khói” bình quân đạt 16 - 18 %/năm.

Tiếp đó, dịch vụ vận tải (biển, phục vụ CN) được khuyến khích phát triển như Cảng tổng hợp Vĩnh Tân ở Tuy Phong; xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ tại TP. Phan Thiết, TX. La Gi, Đức Linh, hoàn thiện mạng lưới chợ các huyện lỵ. Hoạt động xuất khẩu chuyển dịch theo đà tăng các sản phẩm CN chế biến có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, phát triển nông - lâm - ngư nghiệp kết hợp hướng sinh thái bền vững, hiệu quả gắn thị trường, xây dựng nông thôn mới. Với những đề xuất tái cấu trúc kinh tế của các chuyên gia hàng đầu sẽ hướng cho tỉnh có giải pháp lựa chọn phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế những năm tới.

T. Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái cấu trúc kinh tế để phát triển tiềm năng