Theo dõi trên

Sơn Tinh… thời công nghệ

21/02/2018, 17:17

BX- Làm sao để bớt mưa, bớt nắng, làm sao để tiết kiệm nước, để sản phẩm không bị ngập úng, làm sao… Những trăn trở ấy trong bối cảnh khó lường của biến đổi khí hậu hiện nay ngày càng cấp thiết hơn để sản xuất nông nghiệp không mất mùa.

1. Đã qua 23/10, thời điểm mà theo đúc kết dân gian là chấm dứt mưa bão nhưng những ngày cuối năm, nhiều cơn bão mới đã liên tục hoành hành ở biển Đông. Bây giờ, hình như ai cũng đều không bất ngờ về sự khác thường ấy của trời đất. Bởi ít nhất 2 năm qua, chuyện mưa nắng, bão tố, lốc xoáy, mưa đá… đã xuất hiện đây đó không như quy luật vốn có xưa nay. Vùng Bình Thuận, nơi vốn ít mưa, thừa nắng, mùa mưa thường không dài như những nơi khác và từ đó, thời vụ cây trồng cũng định hình trong kinh nghiệm người dân tựa như khát uống nước, đói ăn cơm. Thế nhưng, năm ngoái, mưa kéo dài lê thê, gây ngập úng các cây trồng, không thể thu hoạch mà vùng Tuy Phong, nơi nổi tiếng ít mưa nhất nước là một ví dụ. Những lúa vụ mùa, hành tím vụ tết… ở đây bị ngập trong biển nước rồi các công trình thủy lợi vốn chưa hề dư nước, bỗng vài ngày mưa bất thường, nước dâng lên mức báo động phải xả lũ. Còn năm trước đó, mùa nắng kéo dài nổ đom đóm mắt khiến người ta phải mua từng khối nước tưới thanh long, phải đào ao trữ nước, phải trắng đêm đón nước về trên kênh thủy lợi như ở vùng Hàm Thuận Nam,  Hàm Thuận Bắc. Chưa bao giờ, chuyện nắng mưa của trời đất lại ở tình trạng thái quá như thế, bất thường như thế trong khi  hoạt động nông nghiệp lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên thất bát mùa vụ đương nhiên xảy ra, tỷ lệ rủi ro trong nông nghiệp rất cao.

 2. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy, vẫn có những nơi không mất mùa, vẫn có những hộ dân sống tốt nhờ nông nghiệp. Đơn giản chỉ là những “chiêu” để lách chuyện nắng mưa của trời đất. Như vùng Tuy Phong, vụ mùa rồi, được mùa lúa, chỉ  một lý do sản xuất sớm so với bình thường lâu nay từ nửa tháng đến 20 ngày nên tranh thủ được thuận lợi của mưa nắng. Rồi vùng Đức Linh, Tánh Linh, dựa vào lệ thường thời gian lũ dâng tràn sông La Ngà, ngành nông nghiệp tổ chức sản xuất lách lũ, nhờ thế vụ mùa có năm bội thu, năm không nhưng ít nhất đã hạn chế được tình trạng mất trắng mùa màng. Đó là đối phó với mưa lũ, còn đối phó với nắng hạn, nhiều vùng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi như vùng khô hạn, trồng những cây chịu hạn tốt như tỏi, nho, thanh long… và nuôi những vật nuôi thích ứng như cừu, dê… Còn giải pháp được xem là ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu là ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, dù phức tạp hơn, đòi hỏi trí tuệ hơn và cũng tốn kém hơn, nhưng một số nông dân trong tỉnh cũng đã ứng dụng. Thời gian qua, nổi lên là công nghệ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ tưới nước tiết kiệm, công nghệ che phủ nilon cho một số cây trồng, công nghệ thủy canh sản xuất rau trong nhà lưới, công nghệ chiếu xạ bảo quản thanh long…

 3. Tất cả điều này đang manh nha hình thành tại các vùng sản xuất trong tỉnh và cũng đang là tâm điểm chú ý của nông dân sau những thất bát mùa vụ vừa qua. Thực tế, những cơn bão liên tiếp đổ vào đất liền trong tháng 10, 11, 12 năm 2017 khiến nhiều nơi bị ngập úng, hoa màu, rau quả sản xuất ngoài trời bị hư hại, chết nhiều. Cụ thể như rau màu, vào thời điểm đó, chỉ những nơi trồng rau trong nhà lưới như trang trại Nông Viên Việt ở Hồng Sơn-Hàm Thuận Bắc, tổ sản xuất rau an toàn ở Bình Tân - La Gi… là có rau để bán. Tất cả đã thể hiện một bước thắng thiên nhiên, tương tự như câu chuyện Sơn Tinh, chỉ khác đây là Sơn Tinh của thời công nghệ cao. Nhưng để tạo sức mạnh cho Sơn Tinh và cũng là cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một chuyên gia kiến nghị rất chí lý rằng ngoài tất cả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn sử dụng công nghệ cao, hướng dẫn nông dân về canh tác sạch, an toàn, cơ quan chức năng cần khuyến khích, khen thưởng và tiếp thị tìm thị trường cho nông sản sạch. Có vậy, nông nghiệp công nghệ cao nói chung hay những Sơn Tinh nói riêng mới tiếp tục ứng phó hiệu quả với bất thường của thiên tai, cho nông nghiệp bội thu.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sơn Tinh… thời công nghệ