Theo dõi trên

Sen rớt giá, nhưng nông dân vẫn lạc quan

04/08/2021, 09:40

BT- Dù rớt giá nhưng người trồng sen ở vùng cao các xã Phan Lâm, Phan Sơn, huyện Bắc Bình vẫn lạc quan và hy vọng dịch bệnh sớm chấm dứt để giá tăng trở lại.

Trồng sen ở Phan Lâm.

 Rớt giá...

Phan Lâm, Phan Sơn là các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao của huyện Bắc Bình. Phan Lâm có khoảng 965 hộ/3.556 khẩu, còn Phan Sơn 1.141 hộ/4.464 khẩu. Người dân 2 xã chủ yếu làm nghề chăn nuôi - trồng trọt. Nửa đầu năm nay, dù thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh xảy ra, nhưng người dân vẫn gieo trồng được hơn 2.000 ha/2.843 ha cây trồng các loại, chưa kể cây ăn trái. Mặc dù sản lượng thu hoạch đạt khá, nhưng giá cả không ổn định do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong đó, ngoài lúa, thanh long và cây trái khác giá có giảm, nhưng  sen được xem như rớt giá sâu nhất. Ông Mang Nghĩa ở xã Phan Lâm, trồng 5 sào sen cho biết, những năm trước cũng vào thời điểm này, sen được thu hoạch bán với giá 20.000 đồng/kg tươi và  50.000 đồng/kg khô, nhưng bây giờ chỉ còn 8.000 – 20.000 đồng/kg.

Phan Lâm có nhiều hộ chuyển đổi cây trồng từ lúa sang trồng sen nhiều hơn xã Phan Sơn với 5 ha. Ông K’ Bảy – Chủ tịch UBND xã Phan Sơn cho biết: Ở xã người dân có trồng sen, nhưng không nhiều bằng xã Phan Lâm. Người dân trồng sen, mè, đậu, bắp cho thu nhập khá, ổn định, tuy dịch bệnh giá cả có giảm, nhưng nhìn chung hàng hóa tiêu thụ có phần chững lại. 

Theo các hộ dân, sen được trồng 1 vụ/năm bắt đầu từ tháng 2 và sau 5 - 6 tháng có thể cho thu hoạch rải rác trong 1 - 2 tháng. Vào thời điểm chính vụ, khi thu hoạch đài sen và bóc tách hạt sen, có người đến thu mua tại chỗ. Chị Đào Thị Hìn, nói với chúng tôi tại xứ đồng Làng Cũ Phan Lâm: Trồng lúa rất vất vả vì phải xịt thuốc liên tục, nhưng đối với sen chỉ khi nào có sâu bệnh mới xịt, khi chưa có dịch Covid-19 giá sen cao hơn lúa, còn hiện nay thì sen rớt giá, bán chỉ vài ngàn đồng/kg.

 Nhưng vẫn lạc quan

Dù rớt giá nhưng nhiều hộ dân trồng sen Phan Sơn, Phan Lâm vẫn lạc quan chăm sóc ruộng sen. Vì so với thanh long thì dù giá sen có thấp vẫn ổn định, không bán được sen tươi thì phơi khô bán, với thanh long không có kho bảo quản, nhà máy chế biến sấy khô thì kể như đổ bỏ. Ông Quang Duyệt – cán bộ địa chính xã Phan Lâm, nhà ở thôn Trí Thái, xã Phan Thanh, Bắc Bình cho biết: Thanh long đang vào vụ mùa, đã đến ngày cắt bán nhưng không ai đến thu mua, tôi đang cắt bỏ. Bản thân ông cũng tính trồng lúa, sen có giảm giá cũng còn vớt vát được vì có thể phơi khô để bán còn thanh long để lâu bị hỏng ruột.

Ngoài thanh long thì các mặt hàng rau, củ cũng khó giữ được lâu, nên những người trồng sen, bán sen vào thời điểm này cũng bằng lòng với giá cả vì tình hình chung chứ không riêng một mặt hàng nông sản nào. Bà Mang Minh ở Phan Lâm trồng 2 sào sen vui cười chia sẻ: “8.000 đồng/kg người ta đến tận nơi thu mua còn hơn bán không được. “Nước lên thì thuyền nổi, nước xuống thì thuyền xuống” ai sao mình vậy, chỉ sợ con vi rút nó cứ hoành hành mãi”.

Chủ tịch UBND xã Phan Lâm  - Mang Nhu cho biết: Bà con ai cũng biết tình hình dịch bệnh đi lại khó khăn, dẫn đến khó tiêu thụ hàng hóa nông sản. Hơn nữa, chúng tôi đã giải thích để bà con hiểu, việc quan trọng nhất lúc này là phòng chống dịch Covid-19, ngăn chặn sự lây lan, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sen rớt giá, nhưng nông dân vẫn lạc quan