Theo dõi trên

Sản xuất nông nghiệp năm 2017: Hướng đến các mô hình sản xuất bền vững

12/12/2017, 09:52 - Lượt đọc: 1

BT- Công tác khuyến nông có vai trò quan trọng trong việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó để làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, giúp nông dân sản xuất bền vững, hiệu quả. Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt quan trọng về bộ máy tổ chức khuyến nông tỉnh nhà, cũng như các mô hình hướng đến sản xuất bền vững.

                
Mô hình sản xuất lúa theo phương pháp mới    tại Hàm Thuận Bắc.

Chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ

Từ đầu năm đến nay, việc triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai khá hiệu quả. Điển hình là các mô hình như luân canh 2 lúa + 1 mè trên đất 3 vụ lúa kém hiệu quả (Nhà nước hỗ trợ 1 vụ mè, 2 vụ lúa dân tự đầu tư) theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với quy mô 7 ha tại huyện Tánh Linh. Mô hình luân canh 2 lúa + 1 đậu phộng trên đất 3 lúa kém hiệu quả với quy mô 19,5 ha tại huyện Đức Linh và Hàm Thuận Bắc. Về chương trình khuyến nông, mô hình sản xuất giống lúa xác nhận theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, quy mô 28 ha thực hiện tại huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Được biết đến thời điểm này, tất cả các diện tích đều đã xuống giống, qua theo dõi, kiểm tra, tỷ lệ nảy mầm đạt 95%. Ngoài ra, trong năm còn có mô hình rau VietGAP 2,4 ha tại xã Hồng Sơn, Hàm Thuận Bắc. Trung tâm đã tiến hành lấy mẫu rau phân tích, kết quả đều đạt dưới ngưỡng an toàn, đồng thời chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể nói đây là những bước ngoặt mới của hoạt động khuyến nông, hướng đến sản xuất bền vững, an toàn trong sản xuất nông nghiệp…

 Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Tám cho biết, đơn vị đang tiếp tục thực hiện 17 mô hình khuyến nông - khuyến ngư chuyển tiếp từ năm 2016 như mô hình sản xuất rau an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; mô hình khảo nghiệm sản xuất một số giống tỏi triển vọng; trồng thâm canh cây cỏ và tưới nước tiết kiệm trên đất kém hiệu quả và nguy cơ khô hạn cao; mô hình nuôi cá thác lác  còm  thương  phẩm  trong  ao  đất...  Đồng  thời,  triển  khai  thực  hiện  25  mô  hình khuyến nông, khuyến ngư năm 2017 trên địa bàn tỉnh, trong đó có các mô hình mới như sản xuất măng tây xanh trong nhà lưới kết hợp hệ thống tưới phun mưa  theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm;  mô hình nuôi cá lăng lồng bè bằng thức ăn công nghiệp.

Về định hướng năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh nói chung và khuyến nông nói riêng sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học, công  nghệ,  chuyển  giao  tiến  bộ  kỹ  thuật,  công  nghệ  mới   trên  các  lĩnh  vực  thuộc ngành. Ưu tiên thực hiện các chương trình, đề tài ứng dụng gắn với phục vụ sản xuất. Chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin trong  sản xuất và công tác quản lý, điều hành. Đặc biệt đưa nhanh các giống mới, công nghệ canh tác, bảo quản, chế biến vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất thành công. Thời gian tới, trung tâm sẽ đề xuất và tổ chức thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khuyến nông phù hợp, đặc biệt chủ trương tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, tăng cường áp dụng VietGAP trong sản xuất các loại nông, lâm, thủy sản chủ lực, tạo sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất trên từng lĩnh vực, khắc phục tình trạng dàn trải, manh mún; xây dựng, tổng kết và phổ biến nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng giá trị gia tăng và thu nhập cho người lao động.

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất nông nghiệp năm 2017: Hướng đến các mô hình sản xuất bền vững