Theo dõi trên

Sản xuất nông nghiệp lấy lại đà tăng trưởng

27/04/2017, 14:04

BT- Sau một năm sản xuất đầy khó khăn do nắng hạn khốc liệt, khiến giá trị sản lượng nông nghiệp tỉnh có mức tăng trưởng âm, đến vụ đông xuân 2016-2017, nông nghiệp tỉnh lấy lại đà tăng trưởng vốn có.    

                
Thu hoạch lúa. Ảnh: N.L    

  Sản xuất lương thực và nuôi trồng thủy sản tăng khá

Trên lĩnh vực trồng trọt, diện tích, năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đều tăng; đặc biệt là cây lúa vụ đông xuân đạt 34.885 ha, vượt 7,3% kế hoạch, tăng 60,7% so vụ đông xuân trước. Một số loại cây ngắn ngày khác như rau, lạc, lang, mía cũng có diện tích tăng hơn cùng kỳ, nhất là rau các loại tăng hơn 23%. Chăn nuôi gia súc, gia cầm giữ được ổn định, đàn trâu - bò có trên 71,8 vạn con, đàn heo trên 267,5 vạn con và đàn gia cầm trên 2,61 triệu con. Nuôi trồng thủy sản cũng có sự tăng trưởng khá nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng thu hoạch đạt trên 3,625 ngàn tấn, tăng 9,6% so cùng kỳ...

 Cây lâu năm vẫn gặp khó

Tuy đạt được một số kết quả nhất định, nhưng một số lĩnh vực sản xuất vẫn trong tình trạng cầm chừng, thậm chí giảm sút như cây bắp, đậu các loại. Đáng lo ngại là một số loại cây trồng lâu năm, trong đó có một số được xem là cây chủ lực hoặc lợi thế vẫn đang trong tình trạng khó khăn. Cây thanh long diện tích trồng mới chững lại do những năm gần đây giá không ổn định, xuất hiện nhiều sâu bệnh, việc chong đèn ra hoa trái vụ khó khăn hơn. Cây điều năng suất thấp do thời tiết không thuận vào thời điểm điều ra hoa, dù giá thị trường hiện nay ở mức cao trên 40 ngàn đồng/ kg, nhưng người trồng không có sản phẩm để bán do sản lượng giảm mạnh. Cây tiêu mặc dù những năm gần đây giá luôn cao với khoảng 200.000 đồng/kg nhưng do đặc điểm cây tiêu là thân thảo và thường xuất hiện nhiều loại bệnh, nhất là bệnh chết chậm hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư.

Riêng cây cao su, sau một thời gian giảm sút mạnh, trong những tháng đầu năm do nhu cầu tiêu thụ cao su các nước đang tăng, thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu phục hồi nên giá bán cao su đã tăng thêm. Hiện giá bán 9,5 ngàn đồng/ kg, tăng 2 ngàn đồng so cùng kỳ năm trước, song do ảnh hưởng giá các năm trước giảm mạnh nên chưa khuyến khích mở rộng thêm diện tích. Hiện diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh là 42.131 ha, giảm 0,83% so cùng kỳ năm 2016.

 Hướng tới một nền nông nghiệp bền vững

Thời gian qua chúng ta đề cập khá nhiều đến việc một số doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, đây là hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững và có tính cạnh tranh cao.

Tuy nhiên vấn đề này cần có thời gian và nguồn lực (vốn, khoa học kỹ thuật, nhân lực...) nhất định. Trước mắt cần tập trung giải quyết những khó khăn đang gặp phải để đảm bảo sự ổn định cho sự phát triển của một số cây, con chủ lực. Đối với cây lương thực tiếp tục thực hiện chủ trương linh hoạt trong việc chuyển đổi cây trồng, nhất là chuyển đổi từ đất trồng lúa sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như bắp, rau các loại, đậu các loại, dưa hấu, mè, khoai lang…như một số nơi đã làm trong thời gian qua.

Các loại cây lâu năm như cây thanh long, cây điều, cây tiêu hầu hết là giống cũ, năng suất thấp, thường bị sâu bệnh nếu tiếp tục duy trì sản xuất như hiện nay người sản xuất vẫn tiếp tục gặp khó, thậm chí thua lỗ. Vì vậy vấn đề quan trọng nhất là phải phát triển được các giống mới vừa có năng suất cao, chất lượng tốt và chống chịu với sâu bệnh. Đối với cây điều, cần triển khai rộng việc trồng điều ghép cao sản thay thế các giống điều truyền thống kém hiệu quả; hiện nông dân một số nơi trong tỉnh đã làm nhưng triển khai quá chậm, mới chỉ khoảng 1.000 ha/17.000ha. Đối với cây thanh long cần vận động nông dân phát triển giống thanh long tím hồng có những ưu điểm vượt trội như năng suất cao, chất lượng tốt, ít nhiễm côn trùng, bệnh hại, có màu sắc đẹp và giá bán cao. Đối với cây tiêu cần nghiên cứu để phát triển giống tiêu Srilanka, đây là giống tiêu nổi trội về khả năng sinh trưởng, hiện đang được phát triển tại một số tỉnh Tây nguyên, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Nói chung để phát triển nền nông nghiệp bền vững, ngoài yếu tố khoa học kỹ thuật, cách thức sản xuất thì cây, con giống là hết sức quan trọng. Hiện rất nhiều cây, con giống truyền thống địa phương bị thoái hóa, năng suất thấp, chống chịu sâu bệnh và thời tiết kém. Do vậy ngành nông nghiệp cần nghiên cứu những bộ giống tốt đã được thực hiện các địa phương khác để tuyên truyền, khuyến khích nông dân áp dụng có như vậy mới thay đổi tập quán canh tác lạc hậu “được chăng hay chớ” bằng cách thức sản xuất tiên tiến, trước hết là những giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt và có khả năng chống chịu bệnh tốt. 

T.NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất nông nghiệp lấy lại đà tăng trưởng