Theo dõi trên

Sản phẩm gỗ của Bình Thuận vào EU: Phải rõ ràng nguồn gốc, hợp pháp

02/06/2017, 08:35

 Khó chồng khó

BT- Giữa tháng 5/2017, Liên minh châu Âu và Việt Nam đã ký tắt văn bản của Hiệp định VPA. Đây là hiệp định đối tác tự nguyện và thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) được hai bên đàm phán từ tháng 11/2010. Mục tiêu của hiệp định nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này thông qua việc Việt Nam cam kết xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS), phục vụ việc cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu ngoài việc đáp ứng nguồn gốc gỗ hợp pháp còn phải đáp ứng các quy định về chế độ với người lao động như giờ làm thêm, bảo hiểm xã hội; về bảo vệ môi trường như nguồn nước thải nhà máy, khí thải… Điều đáng ngại, doanh nghiệp không chỉ tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trên mà còn chịu liên quan đến tình hình thị trường gỗ trong nước, nếu như không thể giải trình đầy đủ lô hàng xuất theo quy định. Vì tại hiệp định có yêu cầu gỗ tiêu thụ nội địa cũng phải là gỗ hợp pháp, với mục đích nhằm ngăn chặn gỗ khai thác trái phép xâm nhập vào chuỗi cung ứng của Việt Nam.

                
      
Khu rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp    Bình Thuận trồng keo lai theo quy định kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp    và Phát triển nông thôn. Ảnh: Kiều Hằng

Một khi đã ký kết, Việt Nam đã phải tính đến cơ chế quản lý hiệu quả để gỗ tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu đều là gỗ hợp pháp, nhưng theo nhìn nhận của các chuyên gia, đây là thách thức lớn trong thời gian tới. Thực tế, lâu nay các làng nghề, cơ sở, doanh nghiệp nhỏ chủ yếu sử dụng gỗ không có nguồn gốc và sản phẩm đều xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Để thay đổi nhận thức như cách mà mọi người nhấn mạnh là vận động người tiêu dùng trong nước không mua sản phẩm gỗ không hợp pháp, để từng bước tiến tới đích trên là điều không thể một sớm một chiều. Vì thế, thông tin trên khiến những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sản phẩm gỗ, trong đó có Bình Thuận rất quan tâm. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, đơn vị đang thực hiện các bước tạo sản phẩm đáp ứng các yêu cầu lâu nay của thị trường khó tính EU là một ví dụ.

9.800 ha rừng trồng có FM-CoC

Trước thông tin trên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận không bất ngờ, vì tất cả nằm trong dự báo, kế hoạch chiến lược thị trường của công ty. Từ khâu phát triển rừng bền vững với vòng tròn khép kín bắt đầu  khâu gieo tạo cây giống đến trồng rừng, rồi ứng dụng công nghệ trong khai thác, chế biến gỗ tiên tiến để tận dụng lâm sản với giá thành thấp, chất lượng cao… công ty tính đến mục tiêu tạo ra sản phẩm cạnh tranh tốt trên thị trường trong nước và quốc tế, trong đó nhắm đến thị trường khó tính là Mỹ và  EU. Do đó, quyết tâm đưa hơn 9.800 ha rừng trồng ở Bắc Bình, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân của công ty phải được cấp chứng chỉ rừng sạch, kết nối chuỗi cung ứng từ rừng đến chế biến, gọi tắt FM-CoC tựa như chìa khóa mở cửa thị trường nước ngoài. Bởi một khi được chứng nhận này, loại chứng nhận rất khách quan, vì do một tổ chức ở nước ngoài có chức năng cấp chứng chỉ FM-CoC thì sản phẩm sản xuất từ gỗ rừng này vào thị trường nào cũng được. 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận cho biết, công việc trên triển khai tập trung trong năm 2016, đến nay đã hoàn thành tất cả các bước, từ công tác xác lập phương án quản lý rừng bền vững với sự hỗ trợ của Viện Chứng chỉ rừng và của Chương trình UNREDD; xây dựng quy trình khai thác, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của hệ thống quản lý tương ứng, đến thực hiện quản lý hiệu quả của doanh nghiệp. Dư kiến sang tháng 6, tổ chức GFA (CHLB Đức) sẽ sang thực hiện đánh giá bước đầu để tiến tới cấp chứng chỉ rừng FM -CoC.

Điều đáng nói, một khi việc chứng nhận trên suôn sẻ, công ty hoạt động hiệu quả thì sẽ là nơi để những hộ dân trồng rừng trong tỉnh, nhất là 3 huyện trên hưởng ứng cùng liên kết thực hiện để rừng được chứng nhận FM-CoC. Khi đó mới mong Bình Thuận góp phần nâng tỷ lệ gỗ hợp pháp, tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản phẩm gỗ của Bình Thuận vào EU: Phải rõ ràng nguồn gốc, hợp pháp