Theo dõi trên

Sàn điện tử - lối mở cho tiêu thụ nông sản

04/10/2021, 09:35

BT- Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, liên tục trong thời gian qua, các hội nghị, diễn đàn của ngành nông nghiệp cả nước với các tỉnh, thành được diễn ra nhằm tìm giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Về phía tỉnh Bình Thuận, việc triển khai kế hoạch hỗ trợ liên quan đến nông sản, trong đó có sàn điện tử đang là lối mở cho nông dân…

HTX thanh long sạch Hòa Lệ quảng bá sản phẩm qua livestream và sàn điện tử (ảnh tư liệu).

Quảng bá nông sản qua sàn điện tử

Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đời sống nhân dân nói chung và việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Đứng trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ và rà soát, hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đồng thời, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng đủ điều kiện chuyển sang xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh việc xuất khẩu thanh long biên mậu sang thị trường Trung Quốc vốn nhiều rủi ro, bấp bênh, hiện nay một số nhà vườn, hợp tác xã (HTX) thanh long trong tỉnh đã chủ động kết nối, quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, sàn điện tử, tăng cường chế biến sâu sản phẩm thanh long. Điển hình như HTX thanh long sạch Hòa Lệ (Hàm Thuận Bắc) đã chủ động quảng bá thương hiệu thông qua hình thức livestream, thu hút khá nhiều đơn hàng trong nước. Mặt khác, một số sản phẩm chế biến sâu như thanh long sấy, rượu, nước ép, hay kem tươi thanh long đang từng bước được người tiêu dùng ưa chuộng, thông qua quảng bá trên các trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là số ít HTX, hộ nông dân tiếp cận với thị trường thông qua các trang mạng, sàn điện tử để tìm lối đi. Hiện tại, sản phẩm nông sản nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng vẫn ở trong thế khó khăn trong tiêu thụ. Trong bối cảnh đó, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đã ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu thụ nông, thủy sản trong tình hình dịch Covid-19. Trong đó, tập trung chủ yếu bao gồm lúa, gạo, thanh long, rau, quả, gia súc, gia cầm, sản phẩm thủy sản. UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tổ chức thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh, không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản, thủy sản bị đứt gãy.

 Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, sắp tới các ngành, địa phương liên quan sẽ rà soát các vùng nguyên liệu sản xuất, khả năng tiêu thụ nông sản, thủy sản để xây dựng phương án tiêu thụ theo tiến độ thu hoạch. Đồng thời, khuyến cáo nông dân, ngư dân, HTX và Tổ hợp tác liên kết hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản…

Một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, mua bán, vận chuyển nông sản, thủy sản trong thời điểm dịch Covid-19 đó là tập trung xúc tiến thương mại cho tiêu thụ, chào bán sản phẩm lúa, gạo, thanh long, sản phẩm thủy sản trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart, Alibaba... Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Về lĩnh vực này, hiện UBND tỉnh đang tiếp tục dự thảo, lấy ý kiến về kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Dự kiến trong năm 2021 sẽ tập trung đưa hộ sản xuất nông nghiệp có đủ điều kiện lên sàn thương mại điện tử.

Theo đó, để đủ kiều kiện đưa lên sàn thương mại điện tử, mục tiêu hỗ trợ của tỉnh là các hộ sản xuất nông nghiệp sẽ được tham gia tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng. Mặt khác, được hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận sản phẩm, có gian hàng số trên sàn thương mại điện tử và có tài khoản thanh toán điện tử… Mục đích giúp các hộ sản xuất nông nghiệp thay đổi phương thức tiêu thụ sản phẩm đầu ra, mua sản phẩm đầu vào. Nội dung hỗ trợ sẽ tập trung xây dựng gian hàng số cho các hộ sản xuất nông nghiệp tại các xã, phường, thị trấn, nhằm thúc đẩy các hình thức giao dịch hiện đại. Xây dựng thương hiệu nhằm dẫn dắt, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, lan tỏa hoạt động mua bán và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, ưu tiên các sản phẩm đạt chứng chỉ, chứng nhận, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm OCOP… và có mong muốn chuyển đổi số giao dịch trên sàn điện tử.

Bằng các giải pháp trước mắt và lâu dài, các sản phẩm nông sản của tỉnh sẽ có lối mở, hướng đi bền vững hơn trong thời gian tới, khi được đưa lên sàn điện tử.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lễ viếng các Anh hùng liệt sĩ và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), sáng nay 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đến viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sàn điện tử - lối mở cho tiêu thụ nông sản