Theo dõi trên

Quyết liệt ngăn chặn giã cào bay

18/05/2018, 09:06

BT- Mặc dù mùa vụ chính chưa bắt đầu, nhưng trên địa bàn huyện Tuy Phong hoạt động giã cào bay vi phạm tuyến bờ và tuyến lộng khá phức tạp. Ngoài ra, các thuyền giã cào bay công suất lớn ngoài tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang... đang gia tăng hoạt động sẽ làm phức tạp thêm tình hình.

                
Ngăn chặn giã cào bay để bảo vệ nguồn lợi    thủy sản, ngư dân có sinh kế lâu dài.

Phức tạp

Điển hình ngày 5/4. Trong lúc tuần tra, kiểm soát, tổ công tác của Trạm Quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tuy Phong đã phát hiện 1 cặp giã cào của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang khai thác sai tuyến. Tàu chống trả quyết liệt lực lượng chức năng để kéo giã trốn chạy. Từ đầu năm đến nay, tàu giã cào bay đánh bắt trong vùng khai thác của tàu thuyền công suất nhỏ, làm nghề truyền thống lưới rê ở thị trấn Liên Hương thiệt hại nặng nề, gây bức xúc và phản ứng gay gắt trong ngư dân.

Toàn huyện có 1.573 tàu cá với tổng công suất 193.871 cv, công suất bình quân 123,24 cv/tàu. Cơ cấu tàu thuyền có sự chuyển dịch đúng hướng, nhóm tàu có công suất lớn gia tăng nhanh từ 312 chiếc lên 600 chiếc. Số lượng tàu đánh bắt ngư trường xa bờ ngày càng tăng, tập trung các nghề lưới vây, câu khơi, lưới rê, lưới kéo. Hầu hết các tàu có công suất lớn đóng mới, nâng cấp những năm gần đây đều được trang bị thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ khai thác, an toàn tàu cá, ứng dụng công nghệ hầm bảo quản, nâng chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Bên cạnh kết quả đạt được, khai thác hải sản trên địa bàn huyện bộc lộ những hạn chế, khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững nghề khai thác. Trong đó, đáng quan tâm là cơ cấu thuyền nghề khai thác mang tính chọn lọc, đánh bắt các loài hải sản có giá trị kinh tế cao như các nghề vây rút chì, lưới cản, câu khơi phát triển chậm. Các nghề khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản như nghề lưới kéo còn hoạt động mạnh. Áp lực khai thác ven bờ còn lớn, nguồn lợi thủy sản ven bờ chưa được bảo vệ tốt, vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn diễn ra, nhất là thuyền giã cao bay hoạt động sai tuyến 

Những biện pháp

Thời gian qua, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được Tuy Phong tập trung thực hiện. Trong năm 2016, 2017 qua tuần tra, kiểm soát lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý 430 trường hợp vi phạm, trong đó giã cao bay hoạt động sai tuyến là 104 trường hợp. Riêng từ đầu năm đến nay bắt giữ xử lý 4 trường hợp giã cào bay. Trước tình hình sai phạm của thuyền nghề giã cào bay gây bức xúc trong cộng đồng ngư dân, UBND tỉnh đã ban hành và thực hiện quyết liệt nhiều chỉ thị, quyết định về quản lý hoạt động nghề giã cao bay trên biển Bình Thuận như: cấm nghề giã cào bay hoạt động khai thác thủy sản trong mùa sinh trưởng của các loài hải sản từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/7 hàng năm; cấm đóng mới phát triển tàu cá làm nghề giã cào bay… Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ ngư dân, vận động ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp từ giã cào bay sang nghề khai thác khác mang lại hiệu quả. Theo đó, Tuy Phong đã vận động một số chủ tàu làm nghề giã cào bay vay vốn đóng mới tàu vỏ thép, chuyển sang nghề mành chụp theo Nghị định 67 của Chính phủ. UBND tỉnh phê duyệt 4 trường hợp tàu cá làm nghề giã cào bay, đến nay đã có 2 tàu đóng mới đi vào hoạt động từ tháng 4/2018.

Ông Nguyễn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết: Bên cạnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý những vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, địa phương còn tổ chức các buổi đối thoại được đánh giá có hiệu quả. Cụ thể, đối thoại giữa chính quyền với ngư dân, giữa ngư dân làm nghề lưới rê ở thị trấn Liên Hương và ngư dân làm nghề giã cào bay ở Hòa Phú và nậu vựa thu mua của hai nghề để giải quyết mâu thuẫn. Qua đối thoại, nhận thức của ngư dân có chuyển biến, họ tự thỏa thuận với nhau trong quá trình đánh bắt, tránh va chạm và gây xung đột.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cân đối nguồn nước để sản xuất vụ hè thu thuận lợi
Sau khi các địa phương cơ bản kết thúc vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2024 chặt chẽ, với khung thời vụ gieo trồng từ nay đến giữa tháng 6. Hiện Bình Thuận đang đứng trước thực trạng thiếu hụt nguồn nước do hạn hán, vì vậy các địa phương cần nắm chắc diễn biến thời tiết, nguồn nước để có phương án bố trí sản xuất.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết liệt ngăn chặn giã cào bay