Theo dõi trên

Quy hoạch thanh long bị phá vỡ?

07/05/2021, 09:17

BT- Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Bình Thuận phát triển diện tích 30.000 ha thanh long. Tuy nhiên, hiện nay diện tích thanh long đã vượt quy hoạch 3.750 ha. Ðiều này đặt ra nhiều khó khăn trong tiêu thụ, giải quyết nước tưới, nguồn điện sản xuất và vấn đề quản lý… 

Cây trồng chủ lực

Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả khả quan. Nhất là cây thanh long trở thành cây chủ lực, làm giàu cho nhiều hộ dân các địa phương ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình…

Lâu nay, thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh. Trong số diện tích thanh long đang canh tác, hiện toàn tỉnh có 11.419 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP và gần 355 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP. Để nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất, tỉnh đang từng bước triển khai các chính sách hỗ trợ để hình thành vùng sản xuất thanh long tập trung, phục vụ xuất khẩu. Nhất là chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo VietGAP được triển khai mạnh. Nhờ đó, chất lượng thanh long Bình Thuận trong những năm gần đây đã được quan tâm cải thiện, ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, tưới phun, sử dụng phân hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học vào sản xuất. Qua đó, nhằm giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn cho trái thanh long. Mặt khác, phương thức sản xuất được chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang hình thức liên kết sản xuất. 

Nguy cơ cung vượt cầu

Thực tế tiềm năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thanh long của Bình Thuận khá lớn do giá trị dinh dưỡng cao, cho trái quanh năm. Mặt khác, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng thanh long vì là loại quả để chưng, cúng trong những ngày lễ, tết… Tuy nhiên diện tích trồng thanh long những năm gần đây tăng mạnh, không chỉ vượt so với diện tích quy hoạch của tỉnh, mà còn mở rộng ra 57 tỉnh, thành khác. Việc này có nguy cơ cung vượt cầu, nhất là vào thời điểm chính vụ. Trong đó, trên 85% sản lượng thanh long tại Bình Thuận tiêu thụ chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã bị đình trệ, giá cả thanh long bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do đó, việc phát triển sản xuất và tiêu thụ thông qua thiết lập các chuỗi cung ứng thanh long là rất cần thiết, trong đó chú trọng về khâu sản xuất theo hướng an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là phát triển chế biến sâu từ sản phẩm thanh long như snack sấy khô, sấy dẻo, kẹo, nước ép thanh long, nước ép lên men, rượu vang thanh long…

Sản xuất và tiêu thụ thanh long tại Bình Thuận

Mới đây, trong chuyến công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại vùng trồng thanh long Bình Thuận, ông Lê Văn Đức- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá: Bình Thuận có tiềm năng phát triển thanh long bền vững. Nhất là điều kiện thổ nhưỡng, ánh sáng rất phù hợp với điều kiện phát triển của cây thanh long. Tuy nhiên, Bình Thuận cần hết sức coi trọng quy mô phát triển, hài hòa với nhu cầu phát triển của thị trường. Đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, hiện nhà nước đang tìm mọi cách đàm phán với các nước để tìm kiếm thị trường xuất khẩu chính ngạch đối với mặt hàng nông sản, trong đó có thanh long…

Đứng trước nguy cơ quy hoạch thanh long bị phá vỡ, ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, theo kế hoạch sẽ ổn định diện tích thanh long đến năm 2025 khoảng 34.000 ha, trong đó 70% diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn tốt, hình thành các vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao, vùng thanh long hữu cơ. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, bảo đảm kiểm soát được chất lượng, an toàn, môi trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường…

      
        Đến thời điểm này, diện tích thanh long toàn tỉnh đạt 33.750 ha, tăng   24,86% so năm 2016 (27.031 ha), sản lượng thanh long đạt gần 700.000   tấn, tăng 34,7% so với năm 2016 (518.125 tấn). Thanh long được trồng tại   10 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung tại các huyện Hàm Thuận   Nam gần 15.000 ha, Hàm Thuận Bắc hơn 9.000 ha và Bắc Bình trên 4.700 ha.

             Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch thanh long bị phá vỡ?