Theo dõi trên

Quy hoạch - mở hướng phát triển du lịch Bình Thuận

23/02/2018, 09:14 - Lượt đọc: 114

BT- Bình Thuận đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị (khóa XII) và Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy (khóa XIII) để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Công tác quy hoạch được lãnh đạo UBND tỉnh đặc biệt chú trọng, coi đây là tiền đề để du lịch Bình Thuận phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế...

                
Ảnh minh họa. T. Duyên

Tiềm năng lợi thế phát triển du lịch

Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, phong phú cảnh quan thiên nhiên và nhiều điểm di tích văn hóa - lịch sử nổi tiếng. Hệ thống đường giao thông (quốc lộ 1A, quốc lộ 55, tỉnh lộ 719 …) xuyên suốt bờ biển, kết nối  các điểm du lịch ven biển với các đô thị, tạo sự thuận lợi  cho việc phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế địa phương nói chung.

 Bãi biển của Bình Thuận vốn đẹp, hội tụ nhiều điều kiện để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp với du lịch MICE(1), du lịch nghiên cứu… Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững các loại hình du lịch.

Chính vì thế, UBND tỉnh đã sớm chỉ đạo lập, điều chỉnh quy hoạch các khu vực ven biển; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư du lịch. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thống nhất 9 kiến nghị của UBND tỉnh và chỉ đạo các bộ, ngành chủ trì, hỗ trợ tỉnh Bình Thuận sớm triển khai một số dự án hạ tầng lớn như: Đường cao tốc, đường ven biển, sân bay lưỡng dụng Phan Thiết. Bên cạnh cơ chế chính sách thu hút, tôn vinh tất cả các nhà đầu tư đến với địa phương, tỉnh cân nhắc tập trung lựa chọn những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực song hành với tỉnh nhà. Tỉnh kỳ vọng các nhà đầu tư là nguồn lực mạnh mẽ để thúc đẩy du lịch của tỉnh đi lên trong tương lai, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển mạnh và vững chắc.

 Quy hoạch không gian đô thị phức hợp

Sau sự kiện nhật thực toàn phần (24/10/1995) được nhiều người biết đến, Mũi Né - Việt Nam, từ những năm đầu của thế kỷ 21 cho đến nay là giai đoạn “bùng nổ” phát triển du lịch Bình Thuận. Đặc biệt, trong những năm gần đây Hàm Tiến – Mũi Né thực sự trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Thương hiệu du lịch “Mũi Né” được hình thành như một lẽ tất yếu, là điểm đến ưa chuộng của nhiều du khách quốc tế. Dự án Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến - Mũi Né (TP. Phan Thiết) được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư. Đây là dự án có quy mô lớn với diện tích gần 200 ha, được đầu tư theo hướng hình thành một quảng trường biển hiện đại phục vụ cộng đồng, một trung tâm dịch vụ du lịch kết hợp khu vui chơi giải trí Trung tâm Thể thao biển, khu biệt thự, khu dân cư hiện đại và là điểm nhấn của “thủ đô resort”.

Hiện nay các dự án ven biển Phan Thiết kéo dài đến Hòa Thắng (Bắc Bình), đến Hòa Phú (Tuy Phong) được các nhà đầu tư quan tâm. Ngành “công nghiệp không khói” của Bình Thuận đang thật sự chuyển mình, tiến những bước dài, khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam. Các dự án ven biển mà hạt nhân là tổ hợp du lịch - thương mại- bất động sản để tạo hành lang phát triển du lịch xứng tầm. Khu vực du lịch ven biển Hòa Thắng có diện tích khoảng 3.700 ha; Khu vực du lịch ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú có diện tích khoảng 1.353 ha, thuộc địa bàn hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong; Khu du lịch Bàu Trắng (Bắc Bình) quy mô khoảng 1.150 ha. Thực hiện chủ trương của tỉnh cho phép các nhà đầu tư có tiềm lực lớn nghiên cứu lập đồ án quy hoạch phát triển không gian đô thị phức hợp dải ven biển tận dụng các vị trí địa lý và khai thác triệt để lợi thế phong phú về địa hình cảnh quan, tài nguyên du lịch cát, gió, biển,… định hình các sản phẩm du lịch đa dạng là bước đột phá. Bình Thuận hướng đến xây dựng một trung tâm thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế gắn với mô hình phức hợp tận dụng địa hình gắn biển với bờ, triền dốc thoai thoải, những dải cát vàng, đồi cát trắng mịn màng bay trong gió tạo nên những sản phẩm du lịch sa mạc gắn kết Bàu Ông, Bàu Bà (là những địa danh nổi tiếng liền kề biển Hòa Thắng); hình thành khu thể thao khai thác địa hình, cảnh quan khu vực như: chèo thuyền, đua xe địa hình, đua ngựa, cưỡi đà điểu, lạc đà, sử dụng phương tiện giao thông hiện đại thủy phi cơ, lướt sóng…

Công tác quy hoạch xây dựng đô thị - bước tiên phong mang tính chiến lược hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch Bình Thuận trong suốt thời gian qua. Trong tương lai gần, khi những dự án quy mô lớn được hình thành theo quy hoạch thì điểm đến Bình Thuận sẽ còn tỏa sáng hơn nữa trên bản đồ du lịch Việt Nam.

 Thanh Duyên

(1): Du lịch MICE (tên đầy đủ tiếng Anh là Meeting Incentive Conference Event) là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch - mở hướng phát triển du lịch Bình Thuận