Theo dõi trên

Quản lý thủy sản có sự tham gia của cộng đồng

15/07/2020, 09:45

Bài 1: Người khơi nguồn ý tưởng

BT- Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, nguồn lợi thủy sản (NLTS) rất phong phú, đa dạng và được xếp là 1 trong 3 ngư trường lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, nạn khai thác theo lối tận diệt và không tuân theo kế hoạch đã làm suy giảm nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng biển. Trước thực trạng trên, Bình Thuận đã triển khai nhiều dự án nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, trong đó mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ở huyện Hàm Thuận Nam do chính người dân đề xuất đã thực sự mang lại hiệu quả.

                
      Ông Cường (ở giữa) cùng các thành viên đang trao đổi công việc.

 Ngư dân đề xuất ý tưởng

Nghe giới thiệu về lão ngư Phạm Cường (thôn Thuận Thành, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) - người đầu tiên viết đơn gửi đến chính quyền địa phương để đề xuất nguyện vọng được nuôi sò lông, được giữ vùng biển đã lâu, thế nhưng chúng tôi vẫn chưa có dịp được tiếp cận. Mới đây, trong chuyến công tác tại xã Thuận Quý, chúng tôi đã tìm gặp và hiểu phần nào những dự định ấp ủ của ông. Nước da đen, thân hình vạm vỡ, gần 50 tuổi, thế nhưng có hơn 30 năm gắn bó với biển, ông được ví là “linh hồn” của mô hình “quản lý thủy sản có sự tham gia quản lý của cộng đồng” ở xã Thuận Quý. Rất chân thật, ông Cường cho biết: Cũng như nhiều ngư dân khác, cuộc sống gia đình ông chủ yếu dựa vào biển, thế nhưng liên tiếp những năm biển “đói” đã khiến cho nhiều ngư dân phải bỏ nghề, bán thúng, bán ghe để đi làm ăn xa. Nhận thấy bản thân mình có đủ điều kiện, khả năng và kinh nghiệm nên năm 2008, ông đã mạnh dạn viết đơn gửi chính quyền địa phương để đề xuất ý tưởng của mình với mục đích phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ và phát triển giống sò lông ngày càng cạn kiệt. “Tuy nhiên thời điểm này do cơ chế, chính sách phân cấp quản lý vùng biển ven bờ chưa có, cho nên nguyện vọng của tôi chưa được đáp ứng”, ông Cường chia sẻ thêm.

Đến triển khai mô hình

Thế rồi, niềm đam mê, ấp ủ bấy lâu của ông và ngư dân Thuận Quý đã thành sự thật khi năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2010/NÐ-CP về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển. Theo đó, nghị định quy định UBND cấp huyện và cấp xã được phân cấp và hướng dẫn quản lý vùng biển ven bờ; phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng đối với việc quản lý NLTS ở vùng ven bờ. Đầu năm 2015, trước sự đồng lòng của ngư dân và sự quyết tâm của chính quyền địa phương, của các ngành chức năng, đồng thời được sự tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (UNDP-GEF SGP), dự án "Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông, góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển” tại xã Thuận Quý được triển khai và do Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận điều hành. Từ thực tế của quá trình triển khai trong quản lý còn bất cập, Bình Thuận đã triển khai một mô hình quản lý mới với những phương thức, cách tiến hành đã được ghi nhận và luật hóa thành một điều luật mới, điều 10 trong Luật Thủy sản năm 2017 và áp dụng thực hiện năm 2019 để triển khai rộng rãi trong cả nước. Đây là tín hiệu vui, góp phần nâng cao quyền và nghĩa vụ của cộng đồng ngư dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

    
      Điều 10 Luật Thủy sản: Đồng quản lý trong bảo vệ NLTS: Tổ chức cộng đồng   được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khi   đáp ứng các điều kiện sau đây: Thành viên là các hộ gia đình, cá nhân   sinh sống và được hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản tại khu vực đó; Đăng   ký tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại một khu vực   địa lý xác định chưa được giao quyền quản lý cho tổ chức, cá nhân khác;   Có phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, quy chế hoạt động   của tổ chức cộng đồng.

Công Nam – Thanh Nhàn

 Bài 2: Hiệu quả và nhân rộng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý thủy sản có sự tham gia của cộng đồng