Theo dõi trên

Phát triển du lịch: Hướng tới “Điểm đến xanh”

13/07/2020, 09:17 - Lượt đọc: 24

 BT- Nửa đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 nhưng kinh tế của Bình Thuận tiếp tục tăng trưởng. Các công trình, dự án trọng điểm như sân bay Phan Thiết, dự án năng lượng… được quan tâm triển khai. Đáng chú ý, từ tháng 5/2020, tỉnh bắt đầu triển khai Đề án “Định hướng phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” hướng tới “Điểm đến xanh” với 18 sáng kiến then chốt và điểm nhấn là phát triển du lịch phía Nam Phan Thiết.

                
      Tuyến đường ven biển ĐT719, đoạn Phan Thiết - Kê Gà. Ảnh: Đ.Hòa

18 sáng kiến then chốt

Trong kế hoạch triển khai Đề án “Định hướng phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa ký ban hành mới đây đã chỉ rõ: Với thế mạnh sẵn có, du lịch Bình Thuận có thể phát triển theo 4 chủ đề chính: Du lịch biển, giải trí; du lịch thám hiểm và thể thao; du lịch chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng; công tác kết hợp nghỉ dưỡng. Triển khai đề án, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 18 sáng kiến then chốt, trong đó có 9 sáng kiến chủ đạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của những khách hàng mục tiêu. Cụ thể, bến du thuyền mang tính biểu tượng, trung tâm mua sắm ngoài trời, các hoạt động thám hiểm sinh thái, khu phức hợp thể thao đa năng… Đối với 9 sáng kiến về hạ tầng và điều kiện hỗ trợ sẽ được ưu tiên hàng đầu, giúp du khách rút ngắn thời gian tới tỉnh. Đó là, nâng cấp tàu hỏa, xây mới đường cao tốc, sân bay, giao thông đường thủy, cùng các nhu cầu cấp thiết quan trọng để hướng tới “Điểm đến xanh”. Bên cạnh đó, xây dựng các khu biệt thự và căn hộ du lịch, nhằm thu hút nhà đầu tư thứ cấp, các khách hàng tiềm năng có mức chi tiêu cao.

Để đề án triển khai có hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi xúc tiến đầu tư các dự án phát triển du lịch của tỉnh. Trong đó ưu tiên phát triển các dự án du lịch trọng điểm, nằm trong Khu du lịch quốc gia Mũi Né và các khu vực vệ tinh, thuộc Đề án “Định hướng phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đồng thời, tạo điều kiện và hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện thủ tục, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhằm sớm hoàn thiện hạ tầng phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận. 

Tiếp tục phát huy tiềm năng

Là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, Bình Thuận nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nguồn tài nguyên đa dạng với bờ biển dài 192 km. Bình Thuận hội tụ nhiều điều kiện để phát triển kinh tế. Các đột phá về hạ tầng giao thông trọng điểm như Cảng quốc tế Vĩnh Tân đi vào hoạt động, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Nha Trang đang gấp rút triển khai, dự án sân bay Phan Thiết có nhiều tiến triển.

                
Một góc dự án NovaWorld tại Xã Tiến Thành-    Phan Thiết trong tương lai.

Trong tương lai gần, Bình Thuận là cầu nối giữa các vùng Đông Nam bộ - Tây nguyên - Nam Trung bộ, các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt mới đây, tại kỳ họp lần thứ 5 của HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X, HĐND tỉnh đã chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án làm mới đường trục ven biển ĐT719B, đoạn Phan Thiết - Kê Gà. Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận cho biết, với diện tích khoảng 141,54 ha, dự kiến công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án thực hiện từ tháng 4 - 12/2020. Đây được xem là những bước đi đầu tiên để hình thành dự án làm mới đường ĐT719B. Tuy nhiên có thể thấy, tác động lớn nhất và tích cực nhất của dự án là sự thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề của địa phương. Sự thay đổi này sẽ kéo theo gia tăng thu nhập, thay đổi mức sống vốn đang ở mức khá thấp của người dân địa phương hiện nay. Rõ nhất là tại các xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết) và Hàm Mỹ, Thuận Quý, Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) là điểm thực hiện dự án.

Hạ tầng giao thông đồng bộ cùng tiềm năng du lịch biển mang tầm quốc tế tại Phan Thiết, Bình Thuận đã thu hút nhiều doanh nghiệp bất động sản về phát triển các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn tập trung vào khu vực Nam. Cụ thể, dự án NovaWorld Phan Thiết nằm trên mặt đường ĐT719B. Với quy mô 1.000 ha, sau hơn 1 năm triển khai xây dựng, dự án hiện sắp hoàn thiện và đưa vào sử dụng một số công trình phục vụ du lịch. Tại Kê Gà, tổ hợp du lịch - giải trí - nghỉ dưỡng và thể thao biển Thanh Long Bay do Tập đoàn Nam Group phát triển có quy mô 90 ha… Có thể thấy, không chỉ Mũi Né – TP. Phan Thiết, du lịch khu vực phía Nam tỉnh như Hàm Thuận Nam, Kê Gà, thị xã La Gi hứa hẹn sẽ trở thành thủ phủ resort, nghỉ dưỡng, giải trí mới – một trong những “Điểm đến xanh”của Bình Thuận.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển du lịch: Hướng tới “Điểm đến xanh”