Theo dõi trên

Phan Thiết nhộn nhịp mùa kết cội chà

03/05/2018, 17:13 - Lượt đọc: 276

BTO- Phan Thiết những ngày qua đã lác đác xuất hiện vài cơn mưa đầu mua. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự chuyển mùa của thời tiết. Đối với các ngư dân, đặc biệt là những chủ tàu hành nghề lưới rút, những cơn mưa mùa xuất hiện cũng là thời điểm họ khẩn trương chuẩn bị cội chà để bắt đầu cho mùa khai thác chính trong năm.

                
   
      Ông Võ Tư Hạnh (bìa trái) tươi cười giữ dây cho các bạn thuyền kết    chà

Cảng Phú Hài những ngày đầu tháng 5, mặc cho cái nắng như phả lửa, rất đông ngư dân Phan Thiết vẫn tập trung về đây để kết cội chà. Trên bến, dưới tàu, không khí làm việc đều hết sức khẩn trương. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng, chủ một chiếc tàu vây rút chì tại phường Phú Tài cho biết, vừa mới tập kết đủ lượng tàu dừa để để kết hơn 15 tua chà, phục vụ cho vụ cá nam. Năm nay, tàu dừa tươi có lượng cung từ khá nhiều nguồn nhưng do nhu cầu của các chủ tàu lớn nên mọi người phải tranh thủ mua từ nhiều ngày mới đủ nguyên liệu để kết cội chà. Ông Dũng cho biết, riêng việc chuẩn bị cội chà, đã ngốn chi phí của ông gần 100 triệu, trong đó bao gồm tiền mua tàu dưa, đá chẻ, dây giằng…

                
   
      Chất đá chẻ lên thuyền để cố định cội chà

 Nghề làm cội chà để dẫn dụ cá được các ngư dân tại TP. Phan Thiết và các địa phương có nghề biển khác trong tỉnh làm từ khá lâu. Sau thời gian hơi trùng xuống, hiện nay nghề này đang được ngư dân chú trọng phát triển trở lại, trước tình hình nguồn lại hải sản ngày càng càng kiệt. Đặc trưng của nghề thả cội chà tại Phan Thiết là chủ yếu áp dụng đối với tàu cá hành nghề vây rút chì. Hàng năm, cứ vào dịp gần chuyển mùa là ngư dân lại tấp nập chuẩn bị cây, chà để kết thành các tua. Trong đó, tàu dừa tươi là nguyên liệu phổ biến hơn cả. Hiện nay, mỗi tàu dừa có giá khoảng 5.000đ, để kết thành một tua cội chà, thường ngư dân phải cần đến gần 1.000 tàu, tương đương với giá gần 5 triệu đồng. Mỗi chuyến thả cội chà, các tàu vây rút chì thường dùng trên 10 tua hợp thành một mảng chà để thả xuống biển. Chính vì vậy, chi phí để làm các cội chà là khá lớn.

                
   
      Tàu dừa tươi được các chủ tàu Phan Thiết mua với số lượng lớn

Ông Võ Văn Hải, một chủ tàu hành nghề vây rút chì lâu năm tại phường Phú Hài cho hay, sau khi kết các cội chà vào dịp đầu mưa, ông và các ngư dân sẽ thả các cội chà này xuống vùng biển đã định hình trước để tạo thành các rạn nhân tạo, dẫn dụ đàn cá vào trú ngụ. Cội chà được tạo thành bằng việc thả các cây tre ruột đặc xuống đầu tiên. Sau đó, các tua dừa được chất chồng lên và được giữ cố định bằng các rọ chứa đá chẻ. Một số ngư dân khác còn dùng thêm nhánh cây me để cắm lên phía trên, tại thành các rạn rậm rạp thu hút cá. Sau đó, thời điểm khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 Âm lịch, ngư dân sẽ quay lại các điểm thả chà để khai thác. “Trong các rạn mà chúng tôi đã kết, khi mùa mưa xuất hiện nhiều thì cũng là lúc các loại cá nổi như cá nục, chỉ, bạt má…thường xuất hiện ở những bãi này. Khi khai thác, tàu cá chỉ cần quay lại các điểm thả chà, và sử dụng ánh đèn để dẫn dụ đàn cá ra trước khi thả lưới. Đa phần các chuyển khai thác tại đây đều có năng suất khá” - ông Võ Văn Hải, một chủ tàu hành nghề vây rút chì tại phường Phú Hài cho biết.

                
   
      Ngư dân khẩn trương kết cội chà

Mặc dù hoạt động thả cội chà dẫn dụ đàn cá được các ngư dân phát triển khá nhiều, thế nhưng nổi lo lớn nhất của các ngư dân hành nghề này đó chính là việc cội chà bị tàu giã cào cuốn mất tài sản. Ông Võ Tư Hạnh, một ngư dân ở phường Phú Hài cho biết, ông và nhiều ngư dân khác xem nghề làm cội chà là một nghề “tự nuôi cá”. Chi phí đầu tư khá cao, cộng với công sức quan sát, lựa chọn vùng biển sao cho hợp lí trước khi thả chà. Thế nhưng, không ít trường hợp cội chà bị tàu giã cào bay cào qua, mất hết tài sản, công sức đầu tư. “Đây là một nghề truyền thống có từ xa xưa được cha ông để lại. Mình có tái tạo cội chà thì mới giữ được con cá lâu dài. Nhưng nếu giã cào mà nó có tình chạy sát các cội chà và xúc luôn các cội này thì mình cũng khó mà làm gì được nó. Đây là điều mà ai làm nghề cội chà cũng sợ” - ông Hạnh nói.

Tại TP. Phan Thiết đang có khoảng 300 tàu hành nghề vây rút chì. Phần lớn trong số này có tổ chức kết cội chà vào vụ cá nam để tăng năng suất khai thác. Hiện nay, khi nguồn lợi hải sản ngày một cạn kiệt thì nghề “tự nuôi cá” này càng được khuyến khích phát triển hơn.

C.T



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Thiết nhộn nhịp mùa kết cội chà