Theo dõi trên

Nơi có công nghiệp đang trỗi dậy

04/10/2021, 07:47

BT- Các nhà đầu tư nhận định, sau khi kiểm soát dịch bệnh, những tỉnh đất rộng, người đông lại hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi trong sản xuất kinh doanh sẽ thành nơi thu hút đầu tư tốt. Bình Thuận đang được nhiều nhà đầu tư nhắm đến và Bắc Bình, nơi có nhiều cụm công nghiệp đã hoàn chỉnh pháp lý nhưng chưa có nhà đầu tư hạ tầng bỗng trở nên hấp dẫn.

Cụm công nghiệp Hải Ninh, Bắc Bình. Ảnh: Ngọc Lân

Hấp dẫn từ Cụm công nghiệp Hải Ninh

Cuối tháng 9, công trường của gói thầu số 2 tuyến cao tốc Bắc – Nam, đoạn đi qua Bình Thuận tại huyện Bắc Bình mà cụ thể ở nút giao liên thông giữa cao tốc với tuyến đường QL1A- Phan Sơn thuộc thôn Hải Thủy – xã Hải Ninh đang bề bộn. Dù chưa rõ hình dáng nhưng ai qua đây cũng có thể hình dung nơi giao nhau này sẽ sớm mở ra một tương lai mới cho vùng đất quanh đây. Nhấn mạnh như vậy, vì Bắc Bình có sự đặc biệt hơn các nơi khác là 2 điểm được phép kết nối với cao tốc, trên thực tế đều đã có sẵn đường. Do đó, chắc chắn thời gian thụ hưởng hiệu quả mang lại từ cao tốc sẽ sớm hơn những nơi đang còn tính toán đầu tư tuyến đường kết nối sau khi cao tốc hoàn thành. Như tại điểm giao nhau này, tuyến đường QL1A- Phan Sơn đã có sẵn với mặt đường  bê tông nhựa nóng  rộng 6m, dài 18km. Hơn thế, nằm trên tuyến đường và cách điểm giao nhau không xa là Cụm công nghiệp (CCN) Hải Ninh, cụm đã được UBND tỉnh có quyết định thành lập từ năm 2015 với diện tích 50 ha. Theo đó, những danh mục các ngành nghề dự kiến sẽ đầu tư tại cụm gồm chế biến gỗ, xay xát lương thực, chế biến nông sản, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ sở hàn tiện, sản xuất nông cụ cầm tay... Đến hiện tại, CCN Hải Ninh có 3 nhà máy xay xát đang hoạt động trên tổng diện tích sử dụng 7,8 ha... Và thực tế diễn ra cũng cho thấy cụm nằm giữa vùng nông nghiệp, thiếu nhiều yếu tố cần thiết cho thu hút đầu tư nên từ khi phê duyệt đến nay, CCN Hải Ninh vẫn chưa được nhà đầu tư hạ tầng nào quan tâm đăng ký, dù đã được ngành chức năng kêu gọi, các cơ quan truyền thông đại chúng tại tỉnh đăng thông tin mời gọi đầu tư. Một phần nguyên nhân khác là từ năm 2019 đến nay, do dịch Covid-19 đã khiến kéo dài hơn, khó khăn hơn tình hình trên.

Nhưng bây giờ, cuộc thế đã khác, khi CCN Hải Ninh nằm rất gần tuyến cao tốc Bắc - Nam, cách Cảng Vĩnh Tân chỉ 40km. Sang năm, tuyến cao tốc hình thành giúp CCN này thuận đường đi, yếu tố quyết định trong đầu tư sản xuất kinh doanh, vì giúp giảm nhiều chi phí. Cộng thêm, nguồn nước cho cụm công nghiệp thì không phải lo, khi phía trên Phan Sơn, Phan Lâm có hồ Sông Lũy đã được xây dựng với mục đích lữu giữ nước cho mùa khô của cả vùng phía bắc tỉnh. Một yếu tố khác quyết định sự thu hút của CCN Hải Ninh là đã được định hướng, mở rộng từ 50 ha lên 90 ha theo hướng kéo về phía chân núi. Vì thế, với quy mô diện tích ấy sẽ tạo thuận lợi với các nhà đầu tư lớn trong chọn nơi sản xuất kinh doanh có nhiều công nhân. Nhất là ở Bắc Bình, nơi dân cư đông, lực lượng lao động dồi dào mà điều đó thể hiện rõ qua cuộc đi về quê trong thời gian dịch vừa qua. Hơn thế, Bắc Bình là vùng xanh từ tháng 4 đến giờ và hiện cả hệ thống chính trị cùng người dân ở 18 xã, thị trấn đang bảo vệ vùng xanh ấy để thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

 Thời cơ hội tụ

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy khoảng 60% lao động ở các tỉnh vốn làm việc tại các công ty, nhà máy ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, sau khi hết dịch sẽ không quay lại nơi làm việc. Điều này phù hợp với nhận định của các nhà đầu tư rằng, sau khi kiểm soát dịch bệnh những tỉnh đất rộng, người đông lại hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi trong sản xuất kinh doanh sẽ thành nơi thu hút đầu tư tốt. Bình Thuận đang được nhiều nhà đầu tư nhắm đến và Bắc Bình, nơi có nhiều cụm công nghiệp đã hoàn chỉnh pháp lý nhưng chưa có nhà đầu tư hạ tầng bỗng  trở nên hấp dẫn. Ngoài CCN Hải Ninh đã nêu trên, Bắc Bình còn có 3 CCN khác. Đó là cụm Lương Sơn rộng  26 ha, tại thị trấn Lương Sơn, đã có 3 công ty sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng đang hoạt động. Còn cụm Bắc Bình 1 rộng  22 ha tại thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp thì chưa triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng hiện có 2 doanh nghiệp đầu tư vào cụm với diện tích hơn 5 ha. Riêng CCN Sông Bình có nhà đầu tư hạ tầng nhưng đang xin gia hạn sang năm 2022.

 Ở thế so sánh thì CCN Hải Ninh đang có nhiều ưu thế, vì vậy Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình Mai Văn Vụ cho biết, trước mắt tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của tỉnh quan tâm giới thiệu nhà đầu tư có năng lực về tài chính và tạo điều kiện thuận lợi nhất để được hưởng các cơ chế, chính sách của Nhà nước và tỉnh để đầu tư hạ tầng CCN Hải Ninh. Sau đó tiếp tục kêu gọi cho các cụm công nghiệp còn lại.

Đây là thời cơ cho các nhà đầu tư. Vì trên địa bàn huyện, Khu công nghiệp chế biến tập trung khoáng sản titan Sông Bình tại xã Sông Bình được UBND tỉnh thành lập tại Quyết định số 3570/QĐ-UBND ngày 31/12/2013, với diện tích là 300 ha đang rõ dần diện mạo. Hiện nay, chủ đầu tư  đã thi công san lấp xong mặt bằng; hệ thống cung cấp nước, hệ thống điện 110kV và tiếp tục thực hiện các bước theo tiến độ. Khu công nghiệp này và CCN Sông Bình đều nằm trên QL28B, tuyến tiếp nối giao nhau với  cao tốc Bắc - Nam và cũng là con đường lý tưởng cho hàng hóa trên vùng cao nguyên xuôi về Bắc Bình ra Cảng Vĩnh Tân - Tuy Phong ngắn nhất, tiện lợi nhất trong hành trình xuất khẩu. Và hiện tuyến QL28B chuẩn bị khởi công mở rộng trong năm nay…

Thực tế, chính nhờ có thành quả vùng xanh nên dù cũng bị ảnh hưởng chung liên quan đến vận chuyển, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện tạm ngưng hoạt động nhưng 9 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Bình vẫn tăng trưởng tốt với 1.400 tỷ đồng, đạt 81,40% so kế hoạch và tăng 10,4% so cùng kỳ năm ngoái.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi có công nghiệp đang trỗi dậy