Theo dõi trên

Nỗ lực cùng cả nước gỡ thẻ vàng

02/07/2020, 10:20

BT- Liên minh châu Âu (EU) có Luật IUU áp dụng chung cho 28 nước thành viên và tất cả các quốc gia khác khi muốn xuất khẩu thủy sản đến EU. Luật này cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo, khai báo không đúng, để bảo vệ tài nguyên biển. Tính đến hết năm 2019, có 26 quốc gia bị áp dụng hình thức phạt thẻ, trong đó, thẻ đỏ có 3 nước gồm: Campuchia, Comoros, Saint Vincent & Grenadines; thẻ vàng có 7 nước gồm: Kiribati, Liberia, Saint Kitts & Nevis, Sierra Leone, Trinidad and Tobego, Tuvalu và Việt Nam. Như vậy, Việt Nam ở trong danh sách 7 quốc gia nhận thẻ vàng.

                
      Tất cả tàu cá xa bờ đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành    trình. Ảnh: Đ.Hòa

Chính vì vậy mục tiêu hiện nay là phải đáp ứng đủ điều kiện để được gỡ thẻ vàng, tránh việc nhận thẻ đỏ, gây bất lợi lớn cho kinh tế thủy sản nói riêng và cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Bởi lẽ, sản lượng thủy sản của Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân là 9,07%/năm. Hoạt động khai thác tăng bình quân 6,42%/năm. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Na Uy. EU là 1 trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam hiện nay, chiếm 15 - 17% tổng số xuất khẩu thủy sản cả nước. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường ổn định ở mức trên 1,3 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm qua (2015-2019). Ngay sau khi Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, nhất là 28 địa phương ven biển quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU. Từ kết quả chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện, có thể khẳng định rằng, việc cảnh báo và công tác khắc phục thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của các địa phương trong thời gian hơn 2 năm qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự chung tay các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản và một bộ phận nhân dân, nhất là người dân khu vực ven biển.

Bình Thuận là địa phương có sản lượng khai thác hải sản khá lớn trong cả nước nên lãnh đạo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Ngoài các giải pháp chung của cả nước, Bình Thuận còn tuyên truyền sâu, rộng, kỹ đến từng đối tượng bằng nhiều hình thức để ngư dân, chủ tàu thuyền thấy được tác hại của vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác bất hợp pháp. Tuyên truyền ngay tại cửa biển, cảng cá là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thay đổi nhận thức của chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân đang hành nghề khai thác, dịch vụ thủy sản. Ngoài ra, Bình Thuận còn đẩy mạnh các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất bến, nhập bến, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển và kiên quyết xử lý mạnh, nghiêm khắc các trường hợp tàu cá vi phạm. Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các tỉnh như: Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang… thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục xây dựng và ký kết quy chế phối hợp chống khai thác IUU giữa 3 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu để quản lý chặt chẽ, hiệu quả tàu cá hoạt động ngoài tỉnh và tàu cá ngoài tỉnh đến hoạt động trên địa bàn, nhất là các nhóm tàu khai thác xa bờ thường xuyên lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh. Về giải pháp lâu dài, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, trọng tâm là sắp xếp các hoạt động nghề cá trên biển theo hướng giảm dần số lượng tàu cá thuộc nhóm có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Tiếp tục thực hiện phát triển khai thác hải sản theo hình thức tổ, đội, nghiệp đoàn. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra hoạt động của tàu cá khai thác hải sản trên biển và tại cảng.

Bình Thuận đang nỗ lực cùng cả nước khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, quyết tâm gỡ thẻ vàng thủy sản, thực thi mọi quy chuẩn về đánh bắt, khai thác để thủy sản Việt Nam nói chung và của Bình Thuận nói riêng được mở rộng thị trường ra các nước châu Âu…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực cùng cả nước gỡ thẻ vàng