Theo dõi trên

Nhờ rừng… thoát nghèo

17/09/2018, 08:31

BT- Nhờ việc tham gia bảo vệ rừng, trong những năm qua đời sống của người dân các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một khá lên. Công tác bảo vệ rừng cũng có nhiều chuyển biến đáng khích lệ… 

                
Những cánh rừng được giao cho đồng bào dân    tộc thiểu số bảo vệ.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực rừng đang triển khai thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, ông Phạm Văn Chiến Trưởng ban Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét cho biết: Khu vực này trước đây rừng nghèo lắm, số lượng cây lớn không nhiều. Nhưng từ khi triển khai việc giao khoán rừng cho hộ dân bảo vệ thì khác hẳn. Cây phát triển tốt hơn, độ che phủ của rừng cũng cải thiện đáng kể. Khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trong chương trình Chi trả dịch vụ môi trường rừng người dân được trả 200.000 đồng/ha/năm. Với diện tích dao động từ 80 - 100 ha/hộ thì số tiền nhận được của mỗi hộ cũng gần 20 triệu đồng/năm. Một số tiền không hề nhỏ với người dân xã vùng cao Mỹ Thạnh.

Đi bên cạnh, anh Huỳnh Văn Hà, người dân xã Mỹ Thạnh vui mừng kể cho chúng tôi nghe gia đình anh vừa mua được 1 tivi và 1 tủ lạnh để phục vụ sinh hoạt gia đình. “Tham gia bảo vệ rừng cũng vui lắm, mấy anh em trong tổ trước đây ít qua lại, giờ cùng tham gia bảo vệ rừng nên cũng gần hơn. Nhà nào có việc thì cả tổ cùng nhau giúp đỡ. Ngoài bảo vệ rừng, gia đình tôi còn làm rẫy, trồng thanh long nên số tiền nhận khoán vợ chồng tôi để dành mua mấy đồ dùng phục vụ sinh hoạt gia đình”, anh Hà vui vẻ cho biết. Còn với anh Nguyễn Văn Cường thì thu nhập từ việc nhận khoán bảo vệ rừng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Trước khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, cuộc sống gia đình anh Cường chủ yếu nhờ vào 1 ha đất rẫy được cấp theo Nghị quyết 04 của tỉnh. Năm nào được mùa thì còn đủ ăn, còn năm nào mất mùa thì gia đình anh Cường phải chịu cái đói mùa giáp hạt. “Được giao 100 ha rừng để bảo vệ, mình mừng lắm. Trước đây, gia đình thường xuyên thiếu ăn, nhưng nay nhờ tiền công bảo vệ rừng gia đình mình không còn phải lo đói nữa. Cách đây mấy tháng mình cũng đã mua được xe máy để đi lại và vào rừng đi tuần cùng với anh em. Nếu cố gắng gia đình mình sẽ thoát nghèo, anh Cường vui vẻ cho biết. Không chỉ hộ anh Cường, anh Hà mà hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh cũng có cuộc sống ngày một khá hơn. Từ lợi ích thiết thực này mà ý thức bảo vệ rừng của người dân ngày một nâng cao. 

    
    Theo thống   kê của Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay có 3.385 hộ đồng bào dân tộc thiểu số   tham gia nhận khoán bảo vệ 136.494 ha rừng. Với tiền công chi trả cho   đồng bào nhận khoán bảo vệ rừng từ 6 - 12 triệu đồng/năm đã giúp cho hộ   đồng bào có thêm nguồn thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm, ổn định đời   sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên   địa bàn tỉnh.

Mai Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhờ rừng… thoát nghèo