Theo dõi trên

 Nhiều biện pháp khôi phục nguồn lợi thủy sản

26/05/2016, 08:40 - Lượt đọc: 12

BT - Việc đánh bắt quá mức đang khiến trữ lượng thủy sản ở vùng biển Bình Thuận giảm sút, nhiều loại thủy sản đã biến mất. Vì thế, UBND tỉnh, các ngành chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, nhằm khôi phục nguồn lợi thủy sản của tỉnh.

         
   

Quản lý chặt tàu cá vi phạm

Để siết chặt việc các tàu đánh cá vi phạm tuyến đánh bắt, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm hạn chế việc đánh bắt, khai thác thủy sản trong mùa sinh sản. Năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành quyết định yêu cầu Sở Nông nghiệp - PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển thực hiện việc cấm tất cả hoạt động khai thác các loài hải đặc sản (nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các loại ốc) trên toàn vùng biển Bình Thuận trong thời gian từ 1/4 đến hết ngày 31/7 hằng năm. Trước sự đe dọa của nghề lưới kéo đôi đối với nguồn lợi thủy sản, tháng 11/2015, UBND tỉnh đã ban hành quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo trên vùng biển Bình Thuận. Theo đó, từ 1/4 đến 31/7 hằng năm sẽ cấm nghề lưới kéo đôi (giã cào bay) có công suất lớn hơn 150 cv/chiếc khai thác thủy sản trên vùng biển Bình Thuận. Đồng thời cấm đóng mới phát triển tàu cá làm nghề lưới kéo bao gồm cả lưới kéo đơn và lưới kéo đôi, không cho phép tàu cá đang hoạt động nghề khác chuyển sang nghề lưới kéo, không cấp mới giấy phép khai thác thủy sản nghề lưới kéo.

Cùng với việc UBND tỉnh ban hành các văn bản tăng cường quản lý nguồn lợi thủy sản, lực lượng thanh tra thủy sản đã vận dụng nhiều cách, phối hợp các lực lượng để vây bắt, xử lý tàu vi phạm. Ngày 22/4, lực lượng thanh tra thủy sản của Trạm Quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phan Thiết và Trạm Quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tuy Phong đã phối hợp dùng biện pháp nghi binh để bắt tàu vi phạm. Ca nô của Trạm Tuy Phong đã bắt được 1 cặp giã cào số hiệu  BV 94013 TS và BV 93010 TS của huyện Phước Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vi phạm với các lỗi sai tuyến đánh bắt và sai kích thước lưới ở phần đáy. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng thanh tra thủy sản Trạm Phan Thiết phát hiện tàu BV 95636 TS có nhiều nghi vấn nên đã báo cho lực lượng thanh tra thị xã La Gi lên kế hoạch vây bắt. Không ngoài dự đoán, đúng 8h sáng 25/4, lực lượng thanh tra thủy sản thị xã La Gi đã bắt quả tang tàu này đang thực hiện hành vi đánh bắt sai tuyến  tại vùng biển Kê Gà.

Tháng 2/2016, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã ký kết quy chế phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về quản lý các tàu hành nghề lưới kéo đôi của hai tỉnh. Quy chế phối hợp này quy định rất rõ về quy trình xử phạt và nhiệm vụ của từng tỉnh. Nếu tàu giã cào vi phạm các quy định về tuyến đánh bắt, kích thước mắt lưới trên ngư trường của Bình Thuận hay Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng bỏ chạy sang hải phận của một trong hai tỉnh thì Chi cục Thủy sản hai tỉnh sẽ gọi điện báo và đề nghị đưa lực lượng phối hợp truy bắt. “Tuy mới ký kết nhưng Chi cục Thủy sản hai tỉnh đã bắt được một số trường hợp tàu vi phạm ở Bình Thuận nhưng chạy sang hải phận tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và ngược lại”, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết.

Tín hiệu vui

Năm 2013, Dự án xây dựng mô hình quản lý cộng đồng về bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi điệp quạt được triển khai tại vùng biển Phước Thể, huyện Tuy Phong. Dự án đã tiến hành thả điệp quạt và xây dựng mô hình tổ đoàn kết bảo vệ ngư trường. Sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng và người dân đã mang lại hiệu quả rõ nét. Từ mật độ dưới 1 con điệp quạt/100m2 của năm 2013 đến cuối năm 2014 mật độ điệp quạt đã tăng lên 58 con/100m2 và hiện nay số lượng điệp quạt đang ở mật độ 136 con/ 100m2. Cùng với việc bảo vệ, phát triển điệp quạt thì các loại thủy sản khác cũng theo đó được bảo vệ và phục hồi. Nguồn lợi thủy sản tăng lên, thu nhập của ngư dân vùng biển Phước Thể cũng tăng. Theo số liệu khảo sát của dự án vào tháng 11/2015 thu nhập bình quân trong ngày của ngư dân tăng lên đáng kể. Ngoài ra việc thực hiện dự án tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi điệp quạt ở Phước Thể đã mang lại nhiều kinh nghiệm trong việc phối hợp giữa lực lượng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản với bà con ngư dân. Ở Phước Thể đã và đang duy trì những tổ cộng đồng bảo vệ ngư trường rất hiệu quả. Đây có thể xem là một hướng mới trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Bình Thuận.

Tuy nhiên, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Các tàu thường xuyên vi phạm đã thuê người theo dõi lực lượng chức năng. Đồng thời, các tàu vi phạm đa phần là tàu công suất lớn, còn tàu của lực lượng thanh tra thủy sản đã cũ nên việc truy bắt chưa đạt hiệu quả như mong muốn. “Phần lớn các phương tiện tuần tra kiểm soát đã cũ lại thường xuyên hư hỏng. Nếu UBND tỉnh đầu tư đóng mới cho lực lượng thanh tra thủy sản thêm một tàu tuần tra nữa thì việc kiểm tra, xử lý các tàu vi phạm chắc chắn sẽ tốt hơn”, ông Huỳnh Quang Huy chia sẻ thêm.

NguyỄn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 Nhiều biện pháp khôi phục nguồn lợi thủy sản