Theo dõi trên

Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4): Đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm đặc trưng

26/04/2020, 11:52

 Nhãn hiệu tập thể

BTO-  Ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cho rằng: “Nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải”- Hội Nông dân xã Thắng Hải được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đã chứng minh sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Bình Thuận có thương hiệu trên thị trường, thu hút người tiêu dùng. Nhãn hiệu này với tên đầy đủ: “Thắng Hải, Hàm Tân Nhãn xuồng cơm vàng và hình nhãn hiệu gồm chùm nhãn với 2 màu xanh lá cây và màu cam”. Nhiều năm qua, nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải đã được người tiêu dùng biết đến. Mỗi  mùa nhãn, xã Thắng Hải có gần 400 tấn nhãn xuồng cơm vàng được các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu,  Bình Thuận thu mua. Với việc được chứng nhận nhãn hiệu, trong tương lai, nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường ngoài nước, nâng cao giá trị sản phẩm…

                
      Nhãn hiệu tập thể “Nhãn xuồng cơm vàng    Thắng Hải”

 Cùng với đó, một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các địa phương đã được Sở Khoa học & Công nghệ hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể lên Cục Sở hữu trí tuệ. Điển hình như “Quýt đường Tân Phúc - Hàm Tân” của Hội Nông dân xã Tân Phúc, “Rau Trà Tân - Đức Linh” của UBND huyện Đức Linh; “HTX thanh long sạch – Hoa Le dragon fruit cooperative - Hòa Lệ” của HTX thanh long sạch Hòa Lệ; “THUẬN TIẾN, hình” của HTX Thanh long Thuận Tiến; “Hình” của HTX Dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30. “Hồng Sơn” của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ thanh long Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc… Trước đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã chọn “Thanh long Bình Thuận” là một trong ba sản phẩm trong nước cùng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang và cà phê Buôn Ma Thuột đăng ký chỉ dẫn địa lý sang Nhật Bản; còn chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” được cấp cho sản phẩm mước mắm Công ty TNHH Cá Đen và DNTN Thực phẩm Đông Nam…

“Đòn bẩy” để cất cánh

  Ở Đức Linh, thông qua hỗ trợ của UBND huyện, HTX Rau sạch Trà Tân đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp, nông dân, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm người dân trong vùng, mở rộng thị trường, đưa rau sạch vào các Siêu thị CoopMart, Lotter ở Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh. Hiệntoàn xã Trà Tân có 25 hộ trồng rau với diện tích 30 ha, bà con đã vào hợp tác xã rau an toàn. Địa phương này còn có 35 hộ trồng củ quả (dưa leo, bí đao, mướp đắng...) tổng diện tích 50 ha. Các hộ cũng dự kiến vào hợp tác xã rau an toàn để hình thành nên vùng sản xuất rau củ quả mang thương hiệu “Rau Trà Tân- Đức Linh”, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương… Được biết, Đức Linh đã thành lập 13 HTX thực hiện liên kết với nông dân, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho người dân trong vùng. Điển hình như các HTX: dịch vụ nông nghiệp Công Thành, Mê Pu, Sùng Nhơn, bưởi da xanh Đông Hà, sầu riêng Rô Mô- Đa Kai, nuôi trồng thủy sản Trà Tân, rau sạch Trà Tân… đã thu mua các sản phẩm lợi thế của huyện theo giá thị trường vào kỳ thu hoạch, liên kết chế biến, xuất tiêu thụ trong, ngoài nước. Hiện nay, Đức Linh đang xúc tiến hình thành trên 4.000 ha vùng chuyên canh lúa, nếp chất lượng cao, trái cây đặc sản cung cấp cho hầu hết các HTX dịch vụ trên địa bàn huyện. Đức Linh xúc tiến hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể do Hội Nông dân các cấp, HTX làm chủ với các sản phẩm đặc trưng bưởi da xanh Đông Hà, sầu riêng Rô Mô- Đa Kai… tăng thêm giá trị đặc sản cây trái huyện miền núi này.

T. Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4): Đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm đặc trưng