Theo dõi trên

Ngân hàng thu phí dịch vụ để bù đắp chi phí

07/11/2016, 09:40 - Lượt đọc: 6

BT - Kể từ khi thực hiện Quyết định 2453/QĐ/TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ và  Chỉ thị số 30/CT ngày 30/09/2013 của UBND tỉnh về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, trả lương qua tài khoản gắn với tăng cường cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại qua thanh toán thẻ, phát triển mạng lưới ATM, EDC/POS đã góp phần hạn chế thói quen sử dụng tiền mặt, tiết giảm chi phí xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đây là nhận định tại báo cáo định kỳ tháng 9/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Bình Thuận.

         
   

         

         Trụ ATM của Ngân hàng Agribank.

Đến nay, hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán bù trừ và liên ngân hàng được mở rộng, phục vụ tốt nhu cầu cho kinh tế địa phương; các tiện ích thanh toán điện tử như Internet Banking, Mobile banking được mở rộng; mạng lưới ATM, EDC/POS được mở rộng từ thành thị đến nông thôn với 153 máy ATM và 1.175 máy EDC/POS thanh toán thẻ, chất lượng dịch vụ ngân hàng đã thay đổi vượt trội, các ngân hàng đã nâng cao tiện ích tại các máy  ATM và chuyện hết tiền ở các ATM rất ít xảy ra. Để có được các kết quả trên, hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đầu tư đáng kể cơ sở vật chất và kỹ thuật để thực hiện. Vì vậy, để bù đắp một phần chi phí đã đầu tư, các NHTM từng bước thu các khoản phí dịch vụ theo những mức cho phép của NHNN như: phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền, phí mở thẻ ATM, phí rút tiền mặt, phí chuyển lương… là điều tất yếu.

Trao đổi với ông Đỗ Văn Dũng – Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bình Thuận được biết: Các nước trên thế giới đều thu phí, nhưng theo nhiều cách khác nhau, có thể thu phí quản lý tài khoản 1 lần và mọi giao dịch trên tài khoản đó đều miễn phí, cũng có thể thu phí theo từng giao dịch như Việt Nam đang thực hiện. Các NHTM đã đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng với nhiều chi phí. Đối với hệ thống Agribank, các khoản chi phí lớn như: Hệ thống Corebanking kế toán thanh toán với khách hàng (IPCAS) để quản lý các tài khoản khách hàng với trên 10 triệu USD,  đã lắp đặt trên 2.500 máy ATM (Agribank Bình Thuận có 35 máy),   12.137 máy EDC/POS  thanh toán (Agribank Bình Thuận có trên 220 máy) trên phạm vi toàn quốc để cung cấp các công cụ thanh toán cho khách hàng, duy trì hệ thống mạng và an ninh  cũng như bảo trì ATM... với nhiều chi phí để hoạt động thanh toán khách hàng được an toàn...

Cũng theo ông Dũng, khách hàng cũng nên nhìn nhận việc sẵn sàng trả từ 1.000 - 5.000 đồng cho một lần gửi xe đạp, xe máy khi đi đến trung tâm mua sắm thì cũng nên vui lòng trả 1.000 đồng/lần phí rút tiền tại máy ATM hoặc 2.000 đồng/ tháng đối với phí quản lý tài khoản của mình  mà các ngân hàng đã phải đầu tư cả hệ thống khổng lồ, công nghệ hiện đại, tiên tiến.

Hiện nay các ngân hàng thương mại đều đã và đang thu phí giao dịch qua tài khoản ở những mức khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi khách hàng, các NH thương mại không tự đưa ra các loại phí và mức phí tùy tiện mà có sự quản lý thống nhất và trong phạm vi cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ thời điểm hiện nay, Agribank thu phí rút tiền nội mạng ở mức 1.000 đồng/giao dịch (theo Thông tư 35/2012/TT- NHNN cho phép thu phí nội mạng ATM: Năm 2013 tối đa 1.000 đồng/giao dịch; năm 2014 tối đa 2.000 đồng/ giao dịch và từ năm 2015 trở đi tối đa 3.000 đồng/giao dịch).

Phỏng vấn một khách hàng đã mở tài khoản thanh toán giao dịch tại Agribank Bình Thuận từ năm 2009 đến nay, vị khách này cho biết: Giao dịch thanh toán qua ngân hàng đến nay đã có những chuyển biến khác biệt và thuận lợi, từ lúc ngân hàng chỉ cho phép gửi ở đâu thì chỉ rút ở đó thì nay đã có dịch vụ gửi tiền một nơi có thể rút ở nhiều nơi trong hệ thống Agribank; từ lúc chuyển tiền chỉ có đến ngân hàng trong giờ làm việc thì nay có thể chuyển tiền bất cứ lúc nào, thay vì chuyển tiền tại quầy giao dịch thì có thể thực hiện qua nhiều phương tiện khác nhau như: Tại máy ATM, qua điện thoại di động - dịch vụ Mobile banking và qua Internet – dịch vụ Internet banking.

Do vậy, có thể nói việc các ngân hàng thu phí hiện nay không phải là kinh doanh để sinh lợi mà nhằm giảm áp lực, bù đắp một phần chi phí của các ngân hàng và khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Trần Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng thu phí dịch vụ để bù đắp chi phí