Theo dõi trên

Năm 2020: Năm khó khăn của hoạt động xuất nhập khẩu

07/01/2021, 08:57

BT- Theo Nghị quyết số 106 ngày 23/12/2019 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Bình Thuận năm 2020, trong đó có nêu rõ chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của tỉnh là 496 triệu USD. Theo tính toán của các sở, cơ quan tham mưu của tỉnh thì chỉ tiêu trên sẽ được thực hiện tốt. Thế nhưng “mưu sự tại nhân; thành sự tại thiên”, do dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi cả thế giới nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh.

                
   Chế biến hàng thủy sản xuất khẩu. Ảnh:    Ngọc Lân.

Xuất nhập khẩu đương đầu cùng Covid-19

Mặc dù các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và ngành công thương rất nhiều nỗ lực nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2020 chỉ đạt 464,5 triệu USD, đạt hơn 93% kế hoạch năm.

Tuy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 chỉ đạt hơn 93%, nhưng vẫn tăng 0,18% so năm trước. Trong đó, nhóm hàng thủy sản đạt 159 triệu USD, tăng 16,77%; nhóm hàng nông sản ước đạt 12,5 triệu USD, giảm 4,65% so cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hóa khác ước đạt 293 triệu USD, giảm 6,8% so cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu, đạt 379,5 triệu USD, tăng 7,68% so cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 81,7 triệu USD, giảm 70,07% so cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu trực tiếp của cả năm 2020, đạt 445,8 triệu USD, tăng 0,4% so năm trước. Trong đó bao gồm các thị trường xuất khẩu như sau: thị trường châu Á ước đạt 286,1 triệu USD, tăng 3,21% so cùng kỳ năm trước (tăng chủ yếu ở thị trường Trung Quốc với các mặt hàng tôm, giày dép, thanh long, quặng; Nhật Bản với các mặt hàng cá, bạch tuộc, các sản phẩm giấy). Thị trường châu Âu đạt 59,43 triệu USD, tăng 3,03% so cùng kỳ năm trước (tăng chủ yếu ở thị trường Anh với các mặt hàng giày dép, tôm; Đức các mặt hàng tôm thẻ; Hà Lan các mặt hàng tôm thẻ; Bỉ các mặt hàng đồ gỗ nội thất). Thị trường châu Mỹ đạt 83,79 triệu USD, giảm 5% so cùng kỳ năm trước (giảm chủ yếu ở thị trường Belizơ các mặt hàng đế giày và gót giày; Canada các mặt hàng giày dép).

Ở lĩnh vực ủy thác xuất khẩu dự ước cả năm 2020, đạt 18,7 triệu USD, giảm 4,72% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm ở mặt hàng may mặc.

Riêng lĩnh vực nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, cả năm 2020, toàn tỉnh nhập khẩu đạt 767 triệu USD, giảm 14,78% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 15,61%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 5,46% (các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như thức ăn gia súc, hàng thủy sản, nguyên liệu dệt may da giày). Thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ, Nhật Bản, Canada, Singapore, Trung Quốc...

Một số giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu năm 2021

Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, trước tiên vẫn phụ thuộc tình hình, diễn biến của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, để chủ động, Sở Công Thương cần sớm xây dựng chương trình xúc tiến thương mại 2021 của tỉnh, tập trung xúc tiến, quảng bá các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu vào các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường tiềm năng khác để mở ra các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các nội dung trong chương trình xúc tiến thương mại của quốc gia và của tỉnh để thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá, khảo sát thị trường, kết nối giao thương với các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài.

 Tiếp tục triển khai đề án phát triển các thị trường khu vực, đề án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giúp doanh nghiệp kết nối với các hệ thống phân phối sản phẩm tại các thị trường trọng điểm đã định hướng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tình hình đàm phán, ký kết các hiệp định kinh tế - thương mại, các cơ hội, thách thức trong cam kết hội nhập… giúp doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hiệp định thương mại tự do đối với các mặt hàng xuất khẩu. Thu thập thông tin về tình hình, nhu cầu thị trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại… để phổ biến đến hiệp hội và các doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội nghị gặp mặt Tham tán Thương mại Việt Nam ở nước ngoài (tổ chức tại Việt Nam), làm việc với đối tác nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam để tìm hiểu về thông tin thị trường, cơ hội xuất nhập khẩu. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc tiếp xúc, đàm phán, ứng phó, xử lý các vấn đề liên quan đến rào cản thương mại cũng như các vướng mắc phát sinh trong quan hệ giao thương với nước ngoài.

HuỲnh Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2020: Năm khó khăn của hoạt động xuất nhập khẩu