Theo dõi trên

Muối rớt giá, diêm dân thất thu

01/02/2016, 09:42

BT- Vụ muối 2016, diêm dân Tân Thuận, Hàm Thuận Nam điêu đứng vì mất mùa lại rớt giá. Hiện muối còn tồn đọng trên đồng do không bán được và giá quá thấp nên nhiều diêm dân đón tết không vui.

                
So với năm trước, năng suất muối thấp hơn 2    tấn/sào.

Thôn Thanh Phong có hơn 500 hộ dân nhưng có gần 200 hộ làm muối với diện tích hơn 90 ha. Từ năm 2009, mô hình thâm canh muối - tôm bắt đầu được HTX Thanh Phong triển khai thí điểm. Theo đó dựa vào thời tiết tại địa phương, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là làm vụ muối, còn từ tháng 5 đến tháng 10 thì nuôi tôm trên cùng diện tích. Vụ muối 2016, diêm dân gặp rất nhiều khó khăn vì muối vừa mất mùa vừa rớt giá. Theo diêm dân, những năm trước, giá muối trải bạt thu mua tại xã trung bình ở mức 1.200 đồng/kg, còn muối truyền thống giá 1.000 đồng/kg. Nhưng vào vụ thu hoạch chính năm nay, giá muối chỉ ở mức 500 đồng/kg muối truyền thống và 600 đồng/kg muối trải bạt. Năng suất muối truyền thống đạt 10 tấn/sào và 15 tấn/sào trải bạt, so với năm trước thấp hơn 2 tấn/sào. Nguyên nhân do cơn mưa rào đầu mùa làm ảnh hưởng đến năng suất muối.

Hơn 10 năm làm nghề muối, ông Võ Văn Thoáng chưa bao giờ phải chịu cảnh giá muối rớt thê thảm như thế. Giá giảm mạnh nhưng thương lái chẳng mặn mà để thu mua khiến diêm dân càng thêm khốn đốn. Theo ông Thoáng, hiện tính ra mỗi kg muối giá chỉ hơn 500 đồng nên đời sống của người làm muối gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người buộc phải bán để trang trải chi phí dù giá rất thấp. Trong hơn 90 ha muối đang sản xuất chỉ có 7 ha được sản xuất theo công nghệ trải bạt. Theo nhiều diêm dân, lâu nay người dân sản xuất muối theo kiểu truyền thống trên nền đất nên muối thường bị đen chỉ bán cho những hộ dân làm mắm, ướp thủy sản... Đầu ra cho muối ở Thanh Phong chưa đến mức khó khăn nhưng tình trạng tư thương ép giá vẫn còn. Bởi muối Thanh Phong chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thụ không vững. Như vụ muối 2016, mỗi sào muối, diêm dân chỉ thu được 5 triệu đồng, trừ chi phí nhân công còn lại chẳng được bao nhiêu.

Nghề làm muối là nghề truyền thống, cho dù gặp khó khăn, diêm dân Thanh Phong vẫn cứ làm. Bởi bỏ nghề muối thì không thể làm gì khác trong gần 6 tháng mùa nắng. Để bảo vệ quyền lợi cho diêm dân, Phòng Kinh tế hạ tầng và Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Nam đã có khảo sát, tìm hiểu để đi đến thành lập Hội Diêm nghiệp tại thôn Thanh Phong. Khi đi vào hoạt động, muối Thanh Phong sẽ có lô gô thương hiệu và chắc chắn giá cả sẽ được nâng cao. Hiện nay, huyện phối hợp xã thăm dò ý kiến của các diêm dân. Điều này cho thấy, sự quan tâm từ phía chính quyền và ngành chức năng huyện Hàm Thuận Nam đến hoạt động sản xuất muối tại Thanh Phong – Tân Thuận là hết sức cần thiết. Đây là bước chuẩn bị tạo ra thương hiệu để nâng cao giá cả, chất lượng sản phẩm cũng là sự quan tâm đúng hướng và cần thực hiện nhanh chóng để diêm dân bớt rủi ro trong sản xuất.

KIM ANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muối rớt giá, diêm dân thất thu