Theo dõi trên

Mong mưa tiếp vào tháng 11?

15/11/2019, 09:25 - Lượt đọc: 77

BT - Nếu từ đây đến cuối năm mà trời không mưa tiếp thì vụ đông xuân 2019 - 2020 sẽ phải cắt giảm khoảng 16.000 ha lúa, một số vùng sẽ không có nước tưới thanh long.

1. Giữa tháng 10/2019, UBND tỉnh đã phải gửi công văn đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Công ty Thủy điện Đại Ninh điều tiết lưu lượng chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ du không phải theo hướng nhiều lên bảo đảm tưới như mọi khi mà là phải xả nước ít đi. Mục đích nhằm tích nước hồ vừa tuân thủ theo đúng quy trình vận hành, vừa đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc trong mùa khô 2019-2020. Lý do, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng, Thủy điện Đại Ninh chạy máy với lưu lượng trung bình ngày trên 16 m3/s, đặc biệt những ngày về gần giữa tháng, lưu lượng trung bình ngày trên 31m3/s, cao hơn nhiều so với quy trình vận hành được phê duyệt (8m3/s) và nhu cầu sử dụng nước của địa phương. Thời điểm ấy, tại 2 huyện đang thời kỳ sản xuất vụ mùa, khu tưới có mưa nên nhu cầu sử dụng nước thấp và địa phương chỉ đăng ký nhu cầu sử dụng nước trong tháng 10/2019 với lưu lượng trung bình ngày là 6 m3/s. Lý giải cho việc chạy máy nhiều, xả nước về hạ du nhiều vượt quá cam kết, Thủy điện Đại Ninh cho biết vì thời gian ấy trong hệ thống bị thiếu điện. Liền sau đó, Thủy điện Đại Ninh đã tuân thủ chạy máy với lưu lượng 6m3/s.

Hồ Đại Ninh chỉ có hơn 82 triệu m3 nước (tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).

Và đến thời điểm này, hồ Đại Ninh chỉ có 82,73 triệu m3, đạt 32,9% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ đến 43,22 triệu m3 và thấp hơn trung bình 5 năm gần đây 105,5 triệu m3. Tức ngay thời điểm này, hồ Đại Ninh đang thiếu khoảng 170 triệu m3. Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, con số thiếu trên dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ đông xuân ở Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. Vì hiện nay tổng diện tích sản xuất ở 2 huyện trên khoảng 27.000 ha, trong đó lúa chiếm 17.000 ha, thanh long 10.000 ha. Gần 40% diện tích trong tổng trên có thể nhờ nước từ hồ Sông Quao, Cà Giây… hơn 60% diện tích còn lại đều phụ thuộc hoàn toàn vào hồ Đại Ninh. Vì vậy, nếu sắp tới nguồn nước hồ Đại Ninh không tăng thêm thì không thể bố trí sản xuất lúa đông xuân ở 2 huyện được.

2. Sau những cơn mưa từ ảnh hưởng của bão số 5 và bão số 6 vừa qua, mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể nhưng nếu so với cùng kỳ và cả trung bình 5 năm gần đây thì đều thấp hơn. Thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cho thấy, đến thời điểm 11/11/2019, tổng dung tích hữu ích các hồ chứa trong tỉnh 177,9 triệu m3/225,7 triệu m3, đạt 79% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 5,1 triệu m3, thấp hơn trung bình 5 năm gần đây 27,6 triệu m3. Riêng dung tích hữu ích 2 hồ thủy điện Hàm Thuận, hồ Đại Ninh cũng chỉ đạt 569,1 triệu m3/774,2 triệu m3, thấp hơn cùng kỳ 8,3 triệu m3, thấp hơn trung bình 5 năm gần đây 96,9 triệu m3. Trong đó, chỉ có hồ Hàm Thuận đạt 486,39 triệu m3 là cao hơn trung bình 5 năm gần đây 8,63 triệu m3. Vì vậy, nếu từ đây đến cuối năm mà trời không mưa tiếp thì vụ đông xuân 2019-2020 sẽ phải cắt giảm khoảng 16.000 ha lúa, một số vùng sẽ không bảo đảm tưới thanh long đến cuối mùa khô.

Do đó, sau những cơn mưa vừa rồi, dân Bình Thuận lại mong mưa tiếp vào tháng 11 dương lịch, nhất là hy vọng vào dịp 23/10 âm lịch tới. Sau thời khắc đó, với vùng Bình Thuận chắc sẽ không mưa. Vì Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đã dự báo, tổng lượng mưa từ tháng 10 đến cuối năm 2019 ở các khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%. Và Bình Thuận bao giờ cũng ở mức thấp nhất…

Hảo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mong mưa tiếp vào tháng 11?