Theo dõi trên

Mở rộng cơ hội thị trường tiêu thụ thanh long

27/01/2021, 14:40 - Lượt đọc: 24

BT- Thanh long Bình Thuận vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm mở rộng thị trường nội địa, việc phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp…

                
      
   Trồng thanh long an toàn, đạt tiêu chuẩn    quốc tế để phát triển bền vững thương hiệu thanh long Bình Thuận.

Trắc trở thị trường không còn “dễ tính”

Những ngày cận tết thanh long rớt giá mạnh, người trồng thanh long điêu đứng, các nhà vườn vắng bóng thương lái đến hỏi mua như mọi năm. Chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc) chong đèn hơn 2.000 trụ thanh long bán tết than phiền: “Mấy ngày trước thương lái còn trả giá 7.000 đồng/kg, mặc dù giá chỉ bằng một nửa so năm ngoái nhưng do trái còn xanh tôi dự định neo thêm vài ngày rồi bán dịp cận tết. Hôm nay rao bán thì vựa đóng cửa không thu mua nữa, tết này thua lỗ nặng”. Cùng chung tâm trạng lo âu, điêu đứng bởi theo nhiều nông dân cho hay không chỉ lứa tết, lứa này giá chạm đáy, những lứa bán thanh long trước giá cũng rất thấp. Còn theo thương lái cho biết, giá thanh long phụ thuộc vào các đầu mối bên cửa khẩu Trung Quốc, họ nói sức mua giảm nên phát giá thấp.

Có thể nói, tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long chưa bao giờ gặp khó khăn như năm 2020, dịch Covid-19 các cửa khẩu ngừng thông quan để kiểm soát dịch bệnh dẫn đến hàng hóa tồn đọng, thanh long rớt giá kéo theo tình hình sản xuất bị trì trệ, người dân điêu đứng. Mặc dù, thanh long Bình Thuận đã được xuất khẩu qua nhiều thị trường ở các châu lục chiếm từ 80 - 85%, nhưng thị trường truyền thống Trung Quốc vẫn chủ lực hơn 90% sản lượng thông qua hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch ở các cửa khẩu biên giới Việt – Trung. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”, nước này siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu và nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe hơn; trong đó, có yêu cầu phải có chứng nhận vùng trồng… Trong khi đó, thị trường tiêu thụ nội địa vẫn còn rất tiềm năng hiện tiêu thụ khoảng 15 – 20% sản lượng và thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm rất thấp 2 - 3%.

Toàn tỉnh hiện có 33.700 ha thanh long, tăng hơn 20.000 ha so với năm 2010. Sản lượng thu hoạch thanh long năm 2020 đạt 697.000 tấn, đến nay có 11.400 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 517 ha thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Tuy nhiên, thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo…

Tìm kiếm đối tác, nâng cao chuỗi giá trị

Mới đây, tại TP. Phan Thiết một chương trình hội thảo đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long và đề xuất các giải pháp phát triển thanh long bền vững trong thời gian tới do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) tổ chức để tìm giải pháp “gỡ khó” cho loại trái cây này trong thời gian tới. Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tập trung các nguồn lực nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, người trồng thanh long tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19. Ngành nông nghiệp kêu gọi người dân đẩy mạnh sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để phục vụ nội địa và mở rộng xuất khẩu vào các thị trường châu Âu. Cũng như khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất, xây dựng mùa vụ phù hợp tình hình thực tế… Về phía chuyên môn, cơ quan liên quan nghiên cứu cải tạo tái canh vườn thanh long, đưa vào trồng giống mới thay thế giống bị thoái hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác thanh long tăng khả năng cạnh tranh phát triển bền vững. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ. Hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn, đầu tư khép kín từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ tại vùng trồng thanh long tập trung, sản lượng cao. Về tiêu thụ thanh long sẽ tập trung lựa chọn các sản phẩm thanh long sau thu hoạch để đầu tư thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị thanh long. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp chế biến…

Còn theo Sở Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành trái cây, rau quả trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thanh long tỉnh tham gia các chương trình hợp tác, liên kết; chương trình giao thương với các doanh nghiệp tỉnh bạn quảng bá, giới thiệu sản phẩm tìm đối tác bán hàng, thiết lập kênh phân phối vào chợ đầu mối, siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ tại các tỉnh, thành trong cả nước. Đối với thị trường tiêu thụ ngoài nước hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia các hội chợ triển lãm khu vực và trên thế giới về nông sản và trái cây.

Theo ông Trần Văn Khanh, đại diện Sở Công Thương tỉnh, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn của nông sản Việt Nam; trong đó, có thanh long Bình Thuận. Do vậy, sở sẽ đẩy mạnh phối hợp với sở công thương các tỉnh phía Bắc để nắm bắt, cập nhật tình hình, cơ chế, chính sách, hoạt động buôn bán biên mậu tại các cửa khẩu với Trung Quốc để cung cấp cho các doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phân ra ở nhiều cửa khẩu, tránh tập trung vào một cửa khẩu để hạn chế hiện tượng ùn tắc khi thu hoạch rộ, cũng như tăng cường xuất khẩu chính ngạch.

Uyên Thư



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở rộng cơ hội thị trường tiêu thụ thanh long