Theo dõi trên

Mô hình trồng chuối già lùn: Từ đề tài đến thực tiễn thành công

14/11/2019, 09:28

BT - Từ xưa đến nay cây chuối đã trở thành loại cây trồng rất quen thuộc, gắn bó với người dân. Cây chuối được trồng rất phổ biến trong vườn của mỗi hộ dân vùng nông thôn lẫn thành thị.

Thành công bước đầu

Đề tài ứng dụng mô hình trồng chuối già lùn tại xã Tiến Thành và xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết) do ông Đặng Thanh Tấn - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Phan Thiết làm chủ nhiệm, với tổng kinh phí thực hiện gần 171 triệu đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học của địa phương và các nguồn khác. Sau khi khảo sát, hội đã chọn được 2 hộ tại xã Tiến Thành và xã Thiện Nghiệp tham gia mô hình. Trong đó, ông Thái Bá Đào, thôn Tiến An, xã Tiến Thành trồng 300 gốc chuối già lùn trên đất cát. Qua 13 tháng thực hiện (từ tháng 10/2018 đến tháng 11/2019), Hội Nông dân TP. Phan Thiết đã hướng dẫn kỹ thuật cho hộ dân tham gia mô hình, trồng, chăm sóc sản phẩm, tính toán năng suất chuối và hiệu quả kinh tế của mô hình. Trong quá trình thực hiện, chủ nhiệm đề tài và các thành viên tham gia thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của mô hình, tư vấn kỹ thuật cho hộ tham gia. Mới đây, Hội Nông dân TP. Phan Thiết đã tổ chức hội thảo đầu bờ ngay tại vườn ông Đào để giới thiệu rộng rãi đến các hộ khác... Qua thời gian theo dõi, cho thấy cây chuối già lùn sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với vùng đất cát Tiến Thành, khả năng cho năng suất cao và mang lại hiệu quả bước đầu.

Mô hình chuối già lùn tại xã Tiến Thành.

Qua hội thảo đầu bờ, nhiều nông dân đánh giá cao hiệu quả và sự thích nghi của giống chuối già lùn trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại vấn đề đầu ra sản phẩm nếu mở rộng diện tích. Về vấn đề này, ông Đặng Thanh Tấn cho biết: Hiện nay nguồn cung cấp chuối của Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung chủ yếu vẫn du nhập giống và chuối các tỉnh khác về. Do đó, khi thực hiện thành công, việc nhân rộng mô hình trồng chuối già lùn sẽ tạo thêm nguồn cung trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đáp ứng điều kiện sinh thái

Theo chia sẻ của chủ hộ, chuối được trồng quanh năm, nhưng tốt nhất nên trồng khi đất đủ độ ẩm hoặc vào đầu mùa mưa. Cây chuối được trồng theo hàng với khoảng cách hàng cách hàng 2 - 2,5 m, tương đương 2.000 - 2.500 cây/ ha. Qua đó, cây sẽ sinh trưởng tốt, cho tỷ lệ sống cao hoặc xác định thời điểm trổ buồng, thu hoạch mà chọn thời gian trồng thích hợp với điều kiện chủ động nước tưới. Đối với cây chuối mô, từ khi trồng đến khi trổ khoảng 9 - 10 tháng và từ trổ đến thu hoạch khoảng 2 - 3 tháng tùy theo giống. Khi quả chuối đã tròn cạnh, ruột vàng, độ già 85 - 90%, chủ hộ có thể chặt buồng dựng ngược, bảo quản nơi râm mát. Ngoài ra, để vận chuyển chuối đến nơi tiêu thụ, có thể để cả buồng chuối xếp lên xe. Một lớp chuối phủ một lớp rơm rạ khô để tránh xây xát. Cũng có thể tách ra thành từng nải, khi tách nải phải dùng dao sắc, cắt khéo để không chạm vào trái.

Được biết, hiện nay ở các tỉnh miền Nam thường trồng một số giống chuối phổ biến, gồm chuối già lùn, già cui và già hương. Các giống chuối này cho trái nhỏ và thơm ngon. Ngoài quả chuối được coi là loại thức ăn quý cho con người, thì hoa, củ và thân cây chuối non cũng là một loại rau. Thân chuối già dùng làm thức ăn gia súc, lá chuối dùng để gói bánh… Riêng chuối già lùn có thân màu hồng lợt, lá màu xanh đậm, mọc dày. Trái hình cổ chai nhỏ và dài, trái cong nhiều. Đất trồng chuối cũng phải mềm, kết cấu thuần nhất, không có tầng sỏi đá gần mặt đất. Chuối cần nhiều nước nên phải nhiều mùn, xốp, chứa được nhiều nước nhưng cũng cần thoát nước trong mùa mưa.

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình trồng chuối già lùn: Từ đề tài đến thực tiễn thành công