Theo dõi trên

Mở đường thương hiệu đặc sản miền núi

26/11/2021, 11:09 - Lượt đọc: 42

BT- Các huyện miền núi trong tỉnh có tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng khi tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn phát triển góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bình Thuận có đặc điểm địa hình đa dạng về điều kiện tự nhiên từ miền núi, đến đồng bằng và hải đảo, đặc biệt, ngoài dân tộc Kinh, còn có 33 dân tộc khác cùng chung sống hòa thuận phân bố đều ở các huyện miền núi trên địa bàn toàn tỉnh. Do đó, có thể nói, các sản phẩm nông sản mang tính đặc thù, đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc và vùng miền của tỉnh rất phong phú và đa dạng. Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng NTM tỉnh đánh giá: “Tiềm năng để xây dựng và phát triển những sản phẩm ở khu vực miền núi tham gia chương trình OCOP cũng rất phong phú. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương này hết sức quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và làm tốt công tác tuyên truyền về chương trình OCOP”.

Xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP Bình Thuận tại An Giang

Một minh chứng rõ nhất, trong năm 2020, một số sản phẩm của các địa phương miền núi tham gia chương trình đều đã được công nhận thương hiệu OCOP, đây là những nông sản đặc trưng có chất lượng của địa phương được người tiêu dùng ưa chuộng như: hạt điều, sầu riêng, cá thát lát, gạo sạch… Chẳng hạn, tại huyện miền núi Tánh Linh có ông Nguyễn Anh Đức, một chi hội nông dân thôn 3, xã Đức Bình cùng một số nông dân dồn điền, sản xuất 25 ha gạo hữu cơ thành lập hợp tác xã nông nghiệp Đức Bình làm nên thương hiệu gạo hữu cơ Đức Lan khá nổi tiếng. Còn ở huyện Đức Linh được đánh giá là một địa phương nằm trong “top đầu” thực hiện chương trình OCOP của tỉnh với nhiều sản phẩm chứng nhận OCOP: Dầu đậu phộng nguyên chất, trái dưa lưới, rau ăn lá, trái sầu riêng tươi, bưởi da xanh, hạt điều rang muối, gạo sạch… Huyện Bắc Bình ngoài các sản phẩm nông nghiệp tươi như trái thanh long, trái xoài còn có một số sản phẩm qua chế biến đặc thù, đặc hữu như: tinh dầu bạc hà, nước ép thanh long Phúc Hà.

Những sản phẩm thuộc Chương trình OCOP các huyện miền núi tỉnh mang đặc trưng văn hóa địa phương, đang dần khẳng định được chỗ đứng trên bản đồ sản phẩm OCOP Việt Nam. Nhiều sản phẩm tiêu thụ được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài: trái thanh long tươi, sản phẩm chế biến từ thanh long… Qua 2 năm thực hiện chương trình, toàn tỉnh đã đánh giá, phân hạng và công nhận 56 sản phẩm đạt OCOP từ 3 – 4 sao. Trong đó, toàn tỉnh có đến 33 sản phẩm đạt sao OCOP đến từ huyện miền núi và trong danh mục sản phẩm đăng ký tham gia OCOP năm 2021 có tới 23 sản phẩm đến từ các huyện miền núi. Cũng theo ông Phước nhìn nhận: “Tuy nhiên, để khai thác tốt tiềm năng hiện vẫn còn nhiều thách thức cho khu vực này. Do địa bàn xa nên việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng còn hạn chế. Các chủ thể đa số là hộ kinh doanh, tổ hợp tác nhỏ lẻ, thiếu vốn để đầu tư; khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong xu hướng áp dụng công nghệ số hóa còn hạn chế”. Vì vậy, để các sản phẩm lợi thế của khu vực này khẳng định được vị thế, trở thành sản phẩm OCOP chiếm lĩnh thị trường, ngoài sự quan tâm, trợ lực của chính quyền địa phương, thì các chủ thể sản xuất cần nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thiện chất lượng sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu của thị trường, và từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Về phía ngành chuyên môn của tỉnh, bên cạnh việc hướng dẫn để các chủ thể đạt sao OCOP, cần quan tâm đào tạo, tập huấn về quản lý, thương mại điện tử. Cũng như có các chính sách ưu đãi về vốn vay và hỗ trợ về công nghệ, trang thiết bị máy móc cho chủ thể, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở đường thương hiệu đặc sản miền núi