Theo dõi trên

Liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

13/11/2018, 08:28

BT - Thực tế cho thấy trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, để hàng hóa có tính cạnh tranh trên thị trường và đem lại lợi nhuận cho người sản xuất thì cần phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, bảo đảm thời gian giao hàng, giá cả cạnh tranh.

Nhưng để làm được điều đó thì một vài nông dân không thể tự mình làm được mà phải được tổ chức thành những tập thể theo quy trình sản xuất chung theo từng “cánh đồng lớn”. Quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, lưu thông, mua bán sản phẩm hàng hóa của nông dân được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng hàng hóa… Đây chính là các yếu tố để nông dân xây tham gia, xây dựng các hình thức kinh tế tập thể, trong đó chủ đạo là các HTX  nông nghiệp kiểu mới, làm cơ sở cho việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT đến hết năm 2017, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố thực hiện xây dựng cánh đồng lớn với khoảng 579,3 nghìn ha lúa và một số loại cây trồng khác. Việc tổ chức liên kết được thực hiện hầu hết là do các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tiến hành ký hợp đồng liên kết sản xuất với các HTX, tổ hợp tác, trang trại và trực tiếp với hộ nông dân theo thỏa thuận giá cả tại thời điểm thu mua. Việc tổ chức liên kết đã mang lại hiệu quả kinh tế, trung bình tăng khoảng 17-25% so với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm truyền thống. Mặt khác, quá trình liên kết giúp nhiều HTX củng cố hoạt động có hiệu quả hơn, doanh nghiệp thu mua nông sản được ổn định hơn.

Bình Thuận đến thời điểm cuối năm 2018 có 120 HTX nông nghiệp. Số hợp tác xã đã ít (chỉ chiếm 0,7% của cả nước), quy mô lại nhỏ nên hầu hết hoạt động hiệu quả chưa cao. Hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở nông thôn, chủ yếu cung ứng các dịch vụ đầu vào như giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng… Khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay là thiếu vốn để đầu tư sản xuất và chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật của HTX còn yếu kém, đa số HTX có quy mô nhỏ, việc huy động tăng vốn góp còn khó khăn, năng lực cạnh tranh thấp. Cán bộ quản lý HTX chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm… Vì vậy HTX chưa thực sự là “nòng cốt” tạo liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất, HTX và doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, trong đó, hợp tác xã làm nòng cốt nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm nông sản khó khăn, góp phần thực hiện mục tiêu 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020 theo chủ trương của Chính phủ, Bình Thuận phấn đấu đến năm 2020 huy động được 50% tổng số HTX trên địa bàn tỉnh tham gia có hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản.

Vấn đề cần tập trung hiện nay là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế và vai trò của HTX nông nghiệp trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp PTNT, Liên minh HTX  cần phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan phát hiện những hợp tác xã điển hình theo từng lĩnh vực chuyên ngành làm mô hình điểm để xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả; chỉ đạo các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trong các ngành hàng nông sản chủ lực, có lợi của tỉnh như lúa, thanh long, quýt đường, nho, hải sản… Trên cơ sở đó tổ chức lại sản xuất trong các vùng sản xuất hàng hóa ở từng địa phương, từng vùng.

Một trong những giải pháp quan trọng nữa là vận động, thu hút các doanh nghiệp lớn làm đầu tàu tham gia liên kết cùng HTX tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhằm tạo động lực mới để chuyển đổi hoàn toàn hoạt động của các HTX nông nghiệp. Qua đó, phát triển HTX kiểu mới với các phương thức, quy mô hoạt động gắn với trình độ phát triển của các ngành hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh. Về lâu dài để các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, cần được Nhà nước tích cực hỗ trợ thông qua việc cụ thể hóa các chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác như chính sách để các HTX dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, thủ tục phù hợp và thuận lợi; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cán bộ HTX; nghiên cứu sắp xếp các HTX nông nghiệp cho phù hợp về quy mô, năng lực tổ chức sản xuất với thực tế ở từng huyện, xã trên địa bàn… Có như vậy, HTX mới thực sự làm tốt vai trò của mình là “nòng cốt” tạo liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất, HTX và doanh nghiệp.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp