Theo dõi trên

La Gi: Dự án lấn biển, lấn cấn chuyện đền bù

09/10/2017, 08:33

BT- Dự án lấn biển tạo khu dân cư – thương mại – dịch vụ mới La Gi là dự án xây dựng khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, hiện đại. Khi hoàn thành sẽ mở ra cho thị xã La Gi một diện mạo mới với rất nhiều hạng mục công trình có quy mô tầm cỡ như: khu thương mại - dịch vụ hậu cần nghề cá, khu ở, khu chợ - trung tâm thương mại...

                
Hàng chục lán trại tạm bợ chưa chịu di dời.

Gần 100 tỷ đồng cho dự án

Dự án lấn biển tạo khu dân cư – thương mại – dịch vụ mới La Gi tại phường Phước Lộc được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty TNHH Xây dựng thương mại và dịch vụ Vi Nam (TP. Hồ Chí Minh) đầu tư theo Quyết định số 1431 ngày 24/5/2016. Mục tiêu đầu tư xây dựng khu dân cư, khu dịch vụ hậu cần nghề cá với tổng diện tích khoảng 16,17 ha, tổng  vốn 99,6 tỷ đồng với quy mô dân số khoảng 2.240 người. Chính vì vậy dự án đã nhận được nhiều sự đồng thuận của nhân dân cũng như sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền.

Khu vực quy hoạch gồm khu chức năng chính là khu thương mại - dịch vụ hậu cần nghề cá, bao gồm các công trình kho lạnh, bãi hàng hóa, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư, ngư lưới cụ và các thiết bị, nhiên liệu phục vụ khai thác, đánh bắt của ngư dân. Khu ở gồm các lô đất ở đa dạng, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng. Khu chợ - trung tâm thương mại là khu vực trung tâm của dự án, gồm khu chợ đầu mối hải sản và các gian hàng thương mại phục vụ nhu cầu cho khu dân cư và du khách. Ngoài ra, dự án còn có trường mầm non và hội trường khu phố, công viên cây xanh – thể dục thể thao; khu hạ tầng kỹ thuật được bố trí trạm xử lý nước thải và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho toàn bộ dự án. Từ quý IV/2016 đến cuối quý II/2017, chủ đầu tư đã thi công hoàn chỉnh các hạng mục đê, kè biển, san lấp toàn bộ dự án. Theo kế hoạch, từ quý III/2017 đến quý II/2018, thi công hoàn chỉnh mạng lưới giao thông và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật toàn dự án. Tuy nhiên, từ khi triển khai dự án đến nay, chủ đầu tư đã gặp không ít khó khăn, nhất là đối với công tác giải phóng mặt bằng, bởi hiện vẫn còn một số hộ dân đang cố tình gây khó dễ, làm ảnh hưởng tiến độ thi công công trình.

 Hàng chục hộ dân đòi đền bù

Theo bà Hồ Thị Oanh – khu phố 3, phường Phước Lộc, vào năm 1989, gia đình bà khai hoang một thửa đất với diện tích 116m2. Sau đó bà đã tiến hành dựng căn nhà tạm với diện tích 60m2 để ở, số diện tích còn lại phơi sấy mực. Từ đó đến nay, gia đình sử dụng đất ổn định. Nếu chính quyền yêu cầu di dời, bà mong muốn được đền bù thỏa đáng. Còn bà Nguyễn Thị Vy, khu phố 2 cũng cho rằng diện tích đất hiện đang sản xuất do bà khai phá, cải tạo, bồi đất ven biển để dựng lều trại hoạt động sơ chế hải sản từ năm 1987 đến nay. Do đó, chính quyền yêu cầu bà dỡ lều trại để trả đất lại cho Nhà nước làm dự án nhưng lại không giải quyết đền bù hỗ trợ theo quy định của pháp luật... Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo thị xã La Gi cho biết: Theo bản đồ địa chính do Bộ Quốc phòng đo đạc năm 1998 – 2000, thì phần đất mà các hộ dân dựng lều, trại hoạt động sơ chế hải sản là đất bãi cát do phường Phước Lộc quản lý. Phần đất này UBND tỉnh đã có Quyết định số 3737 về việc thu hồi đất và cho Công ty Vi Nam thuê để xây dựng công trình lấn biển tạo khu dân cư thương mại dịch vụ mới La Gi. Hiện nay công ty đang triển khai thực hiện dự án trên phần đất được UBND tỉnh cho thuê. Do đó, các hộ dân yêu cầu giải quyết hỗ trợ đền bù theo quy định là không có cơ sở.

                
Ngang nhiên phơi hải sản trên mặt bằng của    dự án.

Về phía chính quyền phường, ông Lương Minh Hùng – Chủ tịch UBND phường Phước Lộc cho biết: Tại mặt bằng của dự án có tổng cộng 22 công trình tạm hiện hữu, trong đó 19 trường hợp che chắn tạm để làm nơi sơ chế hải sản, 2 trường hợp chiếm nhà công nhân trước đây của Công ty Vi Nam để sử dụng, 1 nhà tạm để phục vụ nạo vét cát của Công ty Tuấn Tâm. Ngày 26/12/2016, phường có tiếp nhận đơn kiến nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ có lán trại trong khu vực đất dự án qua đường bưu điện. Sau đó, phường đã kiểm tra rà soát nội dung đơn và trả lời bằng văn bản cho các hộ không có cơ sở xem xét cấp giấy chứng nhận và phường đề nghị tự nguyện tháo dỡ, di dời. Đến nay, phường không nhận được bất cứ phản hồi nào từ các hộ trên. Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải tỏa mặt bằng, sau khi tổ vận động nhân dân được thành lập đã trực tiếp xuống các hộ để tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết nhưng hầu hết các hộ không ký. Vào giữa tháng 6/2017, phường phát đi thông báo rộng rãi cho các hộ dân về việc tháo dỡ, di dời nhà tạm, lán trại và các công trình tạm khác trên đất thuộc dự án để phục vụ việc tập kết cát, tuy nhiên các hộ vẫn không chấp hành. Sau đó, phường chỉ đạo công an, bảo vệ dân phố hỗ trợ an ninh để Công ty Vi Nam rào chắn ranh giới đất. Thấy vậy các hộ dân tiếp tục tụ tập, lôi kéo nhiều người đến phường yêu cầu đền bù, bố trí, sắp xếp chỗ làm để lao động ổn định cuộc sống. Từ tháng 10/2016 đến nay, phường đã phối hợp tổ chức 15 lượt vận động nhưng chỉ có 4/22 hộ cam kết tự nguyện tháo dỡ.

 Cần sớm có biện pháp xử lý

Nhằm đẩy mạnh công tác giải tỏa mặt bằng dự án, phường đã kiến nghị thị xã chỉ đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã chủ trì kiểm tra giấy phép kinh doanh và xử lý môi trường của 11 trường hợp đang hoạt động sơ chế hải sản. Đồng thời cho ý kiến xử lý cưỡng chế đối với 1 trường hợp thuộc đối tượng được Nhà nước cấp đất tái định cư nhưng vẫn đang sử dụng công trình tạm để ở và sản xuất. Chỉ đạo Công ty Vi Nam vận động tháo dỡ 2 trường hợp chiếm nhà công nhân trước đây của công ty. Kiên quyết không cho các hộ tự dỡ trại bị ảnh hưởng do bơm cát đến nơi không ảnh hưởng để dựng trại tiếp tục làm. Đối với trường hợp không sản xuất, phường sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục dỡ trại trong thời gian sớm nhất. Riêng các hộ cam kết di dời, phường sẽ xin ý kiến của thị xã di dời tạm đến khu vực Lưới ghẹ để tiếp tục sản xuất nhưng các hộ phải cam kết đảm bảo tất cả các yếu tố môi trường…

Thiết nghĩ, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng thị xã cần có biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ hơn để thuyết phục các hộ đang chây ì chấp hành trả lại đất, tránh ảnh hưởng đến chủ trương đầu tư của tỉnh.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi: Dự án lấn biển, lấn cấn chuyện đền bù