Theo dõi trên

Kỷ niệm 62 năm Ngày Truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2021): Kinh tế thủy sản khẳng định vai trò mũi nhọn

01/04/2021, 11:02

BTO- Để tiếp tục khẳng định vai trò mũi nhọn, ngành thủy sản Bình Thuận đang phát triển quy mô sản xuất cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến, có đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

                
      Đội tàu chủ lực của tỉnh trên vùng biển khơi (ảnh: N.Lân)

Hiện đại hóa đội tàu

Là 1 trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về lực lượng khai thác hải sản với 6.770 tàu cá có tổng công suất hơn 1,2 triệu CV. Phần lớn tàu cá đều được trang bị an toàn và ứng dụng trang thiết bị hiện đại, góp phần gia tăng năng lực và hiệu quả khai thác xa bờ. Ngoài ra, khai thác thủy sản theo hình thức tổ đội cũng được duy trì hoạt động với 129 tổ đoàn kết/982 thuyền và 5 nghiệp đoàn khai thác hải sản, giúp ngư dân hỗ trợ nhau trong sản xuất và cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đội tàu khai thác xa bờ tiếp tục gia tăng, trở thành đội tàu chủ lực của tỉnh trên vùng biển khơi, đóng góp quan trọng về sản lượng và giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng chục ngàn lao động biển. Năm 2020 toàn tỉnh có 1.926 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên, tăng 420 chiếc so năm 2015; góp phần đưa sản lượng khai thác hải sản năm 2020 đạt 221.500 tấn, tăng 12,1% so năm 2015.

Bên cạnh khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản của tỉnh cũng từng bước phát triển theo hướng thâm canh, công nghiệp, đa dạng hóa loài nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh có gần 600 ha diện tích nuôi nước lợ, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng; năng suất tôm nuôi bình quân đạt từ 9 - 10 tấn/ha/vụ. Nuôi thủy sản nước ngọt cũng phát triển đa dạng các giống nuôi kinh tế như: cá tầm, chình, bống tượng, thát lát với diện tích trên 1.800 ha, sản lượng bình quân đạt trên 5.000 tấn/năm. Nuôi thủy sản trên biển tiếp tục duy trì tại huyện Phú Quý và Tuy Phong, chủ yếu cá mú, cá bớp, tôm hùm…, sản lượng bình quân đạt khoảng 140 tấn/năm. Đặc biệt, nhờ các yếu tố thuận lợi về tự nhiên như chất lượng nguồn nước, nền nhiệt cao, ổn định, đã tạo nên lợi thế phát triển nghề sản xuất giống tôm và hải sản biển của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 144 cơ sở sản xuất tôm giống, tất cả sản xuất theo quy trình công nghiệp, tập trung phát triển theo hướng đầu tư quy mô lớn, sản lượng bình quân đạt trên 20 tỷ post/năm. Tôm giống Bình Thuận vốn đã nổi tiếng trên thị trường cả nước về uy tín, chất lượng cũng như khẳng định vị thế vùng nuôi trọng điểm Nam Bộ.

Mạnh về chế biến, xuất khẩu

Ngoài ra, Bình Thuận còn có thế mạnh về chế biến thủy sản, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực hàng năm, có đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Toàn tỉnh, hiện có 212 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản, trong đó có 22 doanh nghiệp xuất khẩu. So với những năm trước, hiện có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới nhà xưởng khang trang, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất phù hợp để sản xuất hàng thủy sản giá trị gia tăng và nhiều doanh nghiệp được chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 39 cơ sở thủy sản được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO 22000, BRC, Halal…Tỷ lệ sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao (như các loại Surimi, Sashimi, thủy sản tẩm bột, thủy sản chế biến gia nhiệt, thủy sản khô ăn liền…) chiếm khoảng 15- 30% sản phẩm chế biến và được gia tăng khi xuất sang các thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật… Riêng lĩnh vực chế biến nước mắm, có 11 cơ sở chế biến nước mắm được chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005; đã có 5 doanh nghiệp được cấp Code xuất khẩu, trong đó có 2 doanh nghiệp được cấp Code đi thị trường khó tính như Mỹ, EU.

                
      Tôm giống Bình Thuận vốn đã nổi tiếng trên thị trường cả nước.

Tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, thời gian tới, ngành thủy sản Bình Thuận sẽ tập trung thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thủy sản mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành thủy sản giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tập trung cơ cấu lại kinh tế thủy sản theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị nuôi trồng, dịch vụ thủy sản trong cơ cấu nội bộ ngành. Gắn khai thác, nuôi trồng với chế biến theo chuỗi giá trị, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, vừa tích cực hội nhập đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục xây dựng Bình Thuận trở thành một tỉnh nghề cá mạnh của cả nước, trong đó đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác hải sản xa bờ và thương mại dịch vụ nghề cá biển mang tầm quốc gia.

    
   Theo   Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Chiến, mặc dù năm 2020 gặp rất nhiều   khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid–19, nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy   sản của tỉnh đạt 159 triệu USD, chiếm hơn 34% giá trị kim ngạch xuất   khẩu hàng hóa toàn tỉnh, tăng 16,8% so năm 2019 và tăng 38,3% so năm   2015. Chế biến thủy sản còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn   lao động mỗi năm.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 62 năm Ngày Truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2021): Kinh tế thủy sản khẳng định vai trò mũi nhọn