Theo dõi trên

Kinh tế số - phá bỏ “rào cản” của dịch bệnh

15/06/2021, 08:38

BT- Dịch Covid-19 đang là rào cản trong phát triển kinh tế, xã hội. Với phương châm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội, ngay lúc này mọi người cần tăng tần suất dùng thương mại điện tử hoặc thanh toán số, qua đó thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.

Ảnh minh họa.

Xu hướng thương mại điện tử

Thời đại công nghệ số 4.0, cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet, xu hướng kinh doanh trực tuyến hay bán hàng online đã đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề. Những năm gần đây, thương mại điện tử không còn là khái niệm xa lạ hay một lĩnh vực mới mẻ. Trong 2 năm gần đây đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế, từ đó làm tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử. Thị trường thương mại điện tử đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường thương mại điện tử đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía nhu cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua thương mại điện tử. Ở huyện miền núi Tánh Linh, nhiều bà con đã chuyển sang giao dịch hàng hóa qua mạng thay vì truyền thống, vừa giảm bớt chi phí đi lại, vừa tiện lợi, đặc biệt là biện pháp giao thương tốt nhất trong phòng chống dịch Covid–19. Anh Nguyễn Văn Kiều, trú tại xã Gia An, huyện Tánh Linh cho biết, từ năm 2020 đến nay khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người đã chuyển sang bán hàng online và thu được hiệu quả hơn so với trước rất nhiều. Còn chị Nguyễn Thị Nguyệt, trú tại phường Xuân An, TP. Phan Thiết chia sẻ, từ khi dịch Covid–19 bùng phát trở lại chị rất ít khi đi chợ hay siêu thị như trước mà chủ yếu mua hàng qua mạng, mua lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu chỉ bằng một tin nhắn điện tử rất tiện lợi và an toàn trong phòng chống dịch. 

Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến

Ngoài việc giao thương bằng hình thức online, để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp cũng đã khuyến khích người dân thanh toán tiền dịch vụ qua mạng. Công ty Điện lực Bình Thuận cho biết, công ty đã khuyến nghị quý khách hàng thanh toán tiền điện trực tuyến trên điện thoại di động thông minh hoặc máy tính với nhiều hình thức khác nhau và hoàn toàn miễn phí. Theo đó, ngành điện của tỉnh đã triển khai đa dạng hóa các kênh giao dịch trực tuyến với khách hàng như: giao dịch qua website, qua các ứng dụng điện tử, thanh toán trực tuyến và đặc biệt chú trọng kết nối các dịch vụ điện tử trên Cổng dịch vụ công Quốc gia… Quá trình xử lý yêu cầu dịch vụ của khách hàng được giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng dịch vụ. Trong khi đó, Công ty Cấp thoát nước Bình Thuận cũng đã triển khai thu tiền nước qua mạng tại hệ thống đại lý Payoo; thanh toán tiền nước qua dịch vụ VNPay; qua ứng dụng ví điện tử MoMo và qua ví vnpt pay. Hiện nay, các dịch vụ thường sử dụng hình thức thanh toán phổ biến là thanh toán bằng ví điện tử, qua Smartphone; thanh toán qua các cổng thanh toán điện tử và bằng credit card hay debit card… qua mạng qua các hệ thống ngân hàng triển khai dịch vụ thu hộ… Với biện pháp này vừa tiện lợi cho người dân lại vừa phòng chống dịch Covid–19 hiệu quả.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế số - phá bỏ “rào cản” của dịch bệnh