Theo dõi trên

Không đơn giản như ThangLong Wind

13/12/2019, 10:03 - Lượt đọc: 12

BT-  Một vướng mắc khác đang xuất hiện với dự án tiên phong này, là quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, ban hành theo quy định nên tỉnh cũng không có căn cứ để hướng dẫn và đánh giá sự ảnh hưởng của dự án…

 Bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia

Đầu tháng 12 này, tại Hà Nội, Đại sứ quán Vương quốc Anh, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và Tập đoàn Enterprize Energy (EE) đã tổ chức Hội thảo “ThangLong Wind – Sự cần thiết cho kinh tế Việt Nam”. Đọc qua tiêu đề nội dung hội thảo, không ít người thắc mắc, vì sao chỉ một dự án năng lượng tái tạo từ sức gió mà phải nhấn mạnh đến sự cần thiết cho nền kinh tế của đất nước. Thêm nữa, thành phần tham dự hội thảo lại rất đặc biệt, bên cạnh những thành phần khách mời liên quan cần có, là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam và có cả đại diện một tỉnh xa là Bình Thuận. Tất cả vì dự án điện gió ThangLong Wind này ở vùng biển ngoài mũi Kê Gà – Hàm Thuận Nam – Bình Thuận và lại có tổng công suất lớn, 3.400 MW. Đặt trong Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2012 với dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 2.500MW thì riêng công suất dự án trên đã vượt con số quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế diễn ra của hiện tại thì có 3 dự án điện gió trên đất liền đã đi vào hoạt động, chỉ có tổng công suất 60 MW nên so với tiềm năng quy hoạch là còn rất thấp. Tuy nhiên, gần đây xu hướng phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận rất được quan tâm. Ngoài công ty EE ra, còn có nhiều nhà đầu tư đã đăng ký đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và tỉnh cho khảo sát các dự án điện gió trên biển với tổng công suất đề xuất khoảng 9.500 MW. Như vậy, tính chung tổng cộng suất quy hoạch và đề xuất của các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, cả trên đất liền và trên biển vào khoảng 15.400MW.

Và ThangLong Wind là dự án tiên phong trong đầu tư điện gió trên biển Bình Thuận với công suất lớn, được xem là phù hợp với tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh. Thêm nữa, tiến độ đầu tư của dự án theo các chặng thời gian mang tính đáp ứng nhu cầu cần điện cao của cả nước. Cụ thể, vào năm 2023, thời điểm dự báo cả nước sẽ thiếu điện trầm trọng, nhất là khu vực phía Nam thì nhà máy điện gió này sẽ phát điện với công suất đầu tiên đạt 600MW. Những năm sau, lần lượt phát số công suất còn lại, vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu dùng điện lại vừa cung cấp lượng lớn điện sạch, góp phần cải thiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để điều đó diễn ra, hiện tại, dự án ThangLong Wind cần được bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia. Và đó là lý do hội thảo trên nhấn mạnh về sự cần thiết của một dự án điện gió trong nền kinh tế.

 Bước đi của dự án tiên phong

Với công suất lớn và nhất là mang tính tiên phong đầu tư điện gió trên biển nên ThangLong Wind triển khai từng bước đi để tiến đến xây dựng nhà máy trên biển phải gọi là không đơn giản. Từ dạo tháng 6/2019, thời điểm Bộ Công Thương chấp thuận cho nhà đầu tư EE thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư dự án, cho đến nay là hàng loạt những phần việc phải làm rất công phu. Đó là khảo sát lấy ý kiến gần 400 hộ gia đình tại ven biển khu vực TP. Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi về hoạt động đi biển có liên quan đến dự án. Tiếp đến tiến hành lắp đặt thành công hệ thống Lidar đo gió tại giàn khoan Diamond để thu thập dữ liệu gió và truyền về trung tâm lưu trữ số liệu đặt tại Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 xử lý, phân tích. Ngoài ra, đã thực hiện 2 chuyến bay chụp không ảnh tại vùng triển khai dự án...

Vấn đề trước mắt phải làm bây giờ là dự án được bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong đó, bao gồm phần diện tích trên biển và diện tích trên đất liền. Từ đó, nhà đầu tư mới bắt đầu các công đoạn khảo sát thực tế, lập và trình hồ sơ thỏa thuận vị trí trạm biến áp, hướng tuyến đường dây 220kV, 500kV trên đất liền, cáp ngầm 220kV và đường dây 500kV đấu nối dự án vào lưới điện quốc gia. Cũng từ đây, Bình Thuận sẽ thực hiện các thủ tục cập nhật điều chỉnh, bổ sung dự án vào Quy hoạch sử dụng đất và Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, xem xét, thỏa thuận vị trí, hướng tuyến công trình phù hợp theo quy định, tránh chồng lấn các dự án, quy hoạch khác và các quy định hiện hành.

Chưa hết, một vướng mắc khác đang xuất hiện với dự án tiên phong này, theo đại diện Sở Công Thương Bình Thuận cho biết là quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, ban hành theo quy định nên UBND tỉnh Bình Thuận cũng không có căn cứ để hướng dẫn và đánh giá sự ảnh hưởng của dự án. Bên cạnh, cũng chưa có các quy định cụ thể đối với công trình điện gió ngoài khơi, do vậy phải chờ Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn… 

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không đơn giản như ThangLong Wind