Theo dõi trên

Khơi thông dòng chảy vốn chính sách

18/10/2021, 08:04

BT- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội thực thi tín dụng chính sách đã tạo nên bước chuyển mạnh trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.

Vốn tín dụng chính sách “trợ lực” giảm nghèo ở xã Sông Lũy.

 Nỗ lực từ địa phương

Từ một xã miền núi khó khăn, Sông Lũy (Bắc Bình) đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Trong niềm phấn khởi trước sự đổi thay lớn về diện mạo nông thôn và chất lượng sống của người dân thì câu chuyện đồng hành cùng hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống được nhiều người nhắc đến. Với ý chí kiên cường vượt khó, thoát nghèo của người dân nơi đây cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ về nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nhiều năm qua đã trải nhựa sống trên từng cánh đồng, mang hạnh phúc vào từng căn nhà nhỏ. Trường hợp chị Đào Thị Hoa Phượng, ở thôn Sông Khiêng – xã Sông Lũy là một ví dụ. Chị Phượng chia sẻ: “Nhiều năm trước đây gia đình tôi là hộ nghèo của xã, dù chịu khó tìm hướng đi phát triển kinh tế gia đình, nhưng rồi thiếu vốn mọi dự định đều phải gác lại. Thông qua Hội Phụ nữ xã tôi vui mừng khi được NHCSXH giải quyết cho vay vốn sản xuất”. Những ngày mưa bão này, đàn bò mập mạp nhốt chuồng cứ thong dong ăn cỏ, chị Phượng tự hào khoe, đây là của để dành gia đình sau nhiều năm tích lũy. Với số tiền vay ban đầu 50 triệu đồng, chị Phượng mua được 2 con bò, bò sinh sản cho thu lợi chị đã phát triển đàn lên 10 con. Trả được nợ ngân hàng chị lại vay vốn đầu tư 2 sào ruộng trồng lúa, không phải ứng trước tiền vật tư của cửa hàng, giá lúa ở mức cao cho gia đình thu lãi khá và đã thoát nghèo.

Ông Đỗ Thanh Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Sông Lũy cho hay: “Địa phương xác định giảm nghèo là mục tiêu quan trọng phát triển kinh tế, xã hội và đạt chuẩn xã nông thôn mới. Thông qua các chương trình dự án, đặc biệt từ nguồn vốn của NHCSXH ủy thác qua các hội đoàn thể, xã đã rà soát lựa chọn và lập danh sách các hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng chính sách giúp nhiều gia đình bớt đi cảnh khó khăn và góp phần đẩy nhanh phong trào thi đua sản xuất giỏi, giảm nghèo bền vững địa phương”. Hiện nay xã Sông Lũy có 18 tổ tiết kiệm vay vốn, tổng dư nợ trên 18,3 tỷ đồng giải quyết cho 923 hộ vay. Công tác cho vay vào nề nếp, xử lý nợ xấu giảm, xã quyết tâm không xóa nợ cho hộ chay ì vì sẽ tạo nên tiền lệ xấu. Thay vào đó, xã thường xuyên tuyên truyền người dân không trông chờ ỷ lại mà tự thân vươn lên sử dụng vốn vay hiệu quả làm gương cho các hộ khác. Cũng nhờ vậy, ở xã Sông Lũy nhiều hộ đã thoát nghèo, hiện toàn xã chỉ còn 10 hộ nghèo chiếm 0,23% trong tổng dân số toàn xã là 2.029 hộ dân với trên 10.200 nhân khẩu.

 Phấn đấu 100% người nghèo vay vốn chính sách

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, cùng sự tham gia tích cực của các cấp ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, 19 năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng góp phần vào công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội địa phương (tính đến đầu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 1,31%). Dòng chảy vốn chính sách luôn được khơi thông, kịp thời tạo điều kiện cho hộ nghèo, dân tộc thiểu số thụ hưởng chính sách. Nhất là trong năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây nhiều khó khăn, tổn thất nhưng nguồn vốn chính sách vẫn luôn hỗ trợ, làm động lực giúp nhiều địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững. NHCSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Và mới đây là Kế hoạch số 41 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40. Trong 9 tháng năm 2021, đã có 25,1 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được giải ngân, doanh số cho vay đạt 683,2 tỷ đồng, vượt 12,9% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể một số chương trình cho vay gồm: Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 236,7 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 140 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 80,6 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 76,9 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 60,3 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên 53,5 tỷ đồng...

Với vai trò là ngân hàng chuyên biệt vì người nghèo và các đối tượng chính sách, những nỗ lực của NHCSXH đã mang đến một bức tranh đầy màu sắc trong hoạt động tín dụng chính sách trong 19 năm qua. Với tổng dư nợ thời điểm này 19 chương trình tín dụng chính sách đạt 3.178 tỷ đồng với 102.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách thụ hưởng, có thể tin tưởng hỗ trợ giảm nghèo trong năm 2021 và những năm tiếp theo tiếp tục sáng rỡ hơn. Giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống cho người nghèo. “NHCSXH chi nhánh tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện tốt chính sách tín dụng phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của tỉnh”, bà Võ Thị Minh Thảo – Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh cho biết.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khơi thông dòng chảy vốn chính sách