Theo dõi trên

Khởi nghiệp: Con đường gian lao của người trồng nấm

17/02/2017, 08:14

BT- Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất nấm Bình Phú, khu phố 1, thị trấn Tân Nghĩa, Hàm Tân và rất ngạc nhiên khi thấy ở vùng đất mới còn nhiều khó khăn lại có một cơ sở sản xuất nấm linh chi(1), một loại sản xuất công nghệ cao.

                
Cơ sở sản xuất nấm của đôi vợ chồng trẻ,    Trần Minh Kiển và Phùng Thị Mỹ Trinh.

 Ngạc nhiên hơn nữa là chuyện khởi nghiệp của đôi vợ chồng trẻ, Trần Minh Kiển và Phùng Thị Mỹ Trinh… Cả hai đều sinh năm 1988, cùng học một lớp, cùng tốt nghiệp ngành công nghiệp sinh học Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Hai năm thường xuyên mất ngủ

Cái tên cơ sở Bình Phú được giải thích là Bình Thuận và Phú Yên, tức là ghép quê hương của đôi vợ chồng trẻ này. Trần Minh Kiển quê ở Phú Hội, An Ninh Đông, Tuy An, Phú Yên. Lớn lên từ một gia đình nông dân chân chất, nghèo khổ, từ bé Kiển đã gắn bó và yêu thích nông nghiệp nên khi thi vào đại học, nghề trồng trọt được chọn như một gắn kết đương nhiên, chỉ khác các thế hệ đi trước đây là ngành sản xuất với công nghệ sinh học hiện đại. Phùng Thị Mỹ Trinh sinh ra trên mảnh đất Tân Nghĩa nắng cháy nghèo khổ, từ thời học sinh, rồi sau này là sinh viên, Trinh luôn mơ ước sẽ làm được gì đó ngay chính trên quê hương của mình. Hai con người ở hai miền đất khó khổ nhưng cùng chung ước mơ ấy đã gặp nhau và yêu nhau ngay từ những ngày đầu trên ghế giảng đường. Họ đã cùng chắt góp, vun vén cho việc biến giấc mơ chung của hai người thành hiện thực nhưng vốn liếng luôn là vấn đề đau đầu nhất của những người trẻ bắt đầu khởi nghiệp, đối với Kiển, Trinh, điều đó cũng không là ngoại lệ. Tốt nghiệp đại học, ra trường họ phải xin vào làm cho Công ty sản xuất meo giống ở Lâm Đồng hết một năm, về TP. Hồ Chí Minh làm thêm một năm nữa; năm 2012, họ mới chính thức kết hôn và bắt đầu tạo dựng sự nghiệp riêng mình ngay trên mảnh đất ba má Trinh cho. Ngày đầu tiên, trên diện tích đất 300m2, họ đã dựng lên những trại lá sơ sài và tiến hành sản xuất nấm với tất cả những kiến thức mà hai người đã học được.

“Suốt hai năm trời cả vợ cả chồng mất ngủ thường xuyên”, đó là tâm sự rất chân thành của Kiển. Không mất ngủ sao được khi mỗi sáng lại bần thần đứng nhìn chăm chăm vào 50.000 bịch phôi đang trơ ra, tơ nấm không ăn vào mùn cưa, không biết nguyên nhân vì sao. Các quy trình, các kiến thức học trong trường, cả những kinh nghiệm có được từ 2 năm trải nghiệm đã được vận dụng kỹ lưỡng, đầy đủ nhưng vẫn không mang lại kết quả mong muốn. Cũng mùn cưa cao su là loại không có tinh dầu, cũng cám bắp, cám gạo, cũng vôi, cũng hấp khử trùng 1000C đúng 20 giờ…, tất cả không sai sót gì tại sao như vậy? Bao nhiêu là tiền của bỏ ra, giờ làm sao đây? Tổng số tiền gom góp, vay mượn của cả hai dòng họ hơn 150 triệu đồng, phải đâu chuyện nhỏ?!  Cả hai vợ chồng đều được nhà trường trang bị kiến thức tới nơi tới chốn chớ đâu phải làm bừa. Vậy mà thất bại sờ sờ ra đó, giải thích sao đây?... Bao nhiêu câu hỏi làm căng đầu, nhức óc. Bao nhiêu vấn đề được vợ chồng đem ra mổ xẻ, bàn luận theo hướng tích cực nhất (cả hai đều có kiến thức, kỹ thuật ngang nhau, hỗ trợ cho nhau). Vậy mà phải tốn khá nhiều thời gian, phải xanh hết cả mặt mày, họ mới tìm ra nguyên nhân thất bại là do độ pH trong nước ủ quá cao, là do môi trường ở đây vào mùa khô nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, những điều kiện quá khác so với các môi trường cấy trồng nấm ôn hòa ở Lâm Đồng, ở TP. Hồ Chí Minh, là những nơi họ đã trải nghiệm công việc này. 

Linh chi, bào ngư ra thị trường

Sự thất bại của 50.000 bịch phôi đầu tiên là bài học lớn của vợ chồng trẻ Kiển, Trinh. Nhưng chính nghề dạy nghề, họ đứng dậy ngay nơi mình vấp ngã. 50.000 bịch phôi nấm linh chi thất bại ấy được điều chỉnh, sửa lại thành 50.000 bịch phôi cấy nấm bào ngư, tức là từ việc xác định chỉ sản xuất nấm dược liệu họ lại sản xuất thêm nấm thực phẩm. Nhờ sản xuất cùng lúc hai loại nấm với thời gian thu hoạch khác nhau (nấm linh chi 3,5 tháng, nấm bào ngư 4 tháng) mà việc xoay vần tiền vốn tiền lãi linh hoạt hơn.

Với giá nấm linh chi khô bỏ mối cho những khách hàng quen dao động từ 700.000 - 900.000 đồng/kg, nấm bào ngư tươi 40.000 - 60.000 đồng/kg, chẳng mấy chốc đồng tiền lãi đã bắt đầu dày lên. Họ lại tiếp tục  sửa chữa, xây  thêm trại ủ, trại nuôi, tiếp tục mua sắm thêm máy móc cần thiết, mỗi năm số trại cứ tăng thêm đều đặn. Với 7 trại nuôi, 2 trại ủ như ngày nay, bình quân mỗi tháng Cơ sở sản xuất nấm Bình Phú đều cho ra thị trường hơn 300kg nấm linh chi khô và 1 tấn nấm bào ngư tươi. Lãi ròng thu hằng năm khá cao.

                
Anh Trần Minh Kiển đang kiểm tra nấm.

Chị Chu Thị Niệm, một công nhân làm việc tại cơ sở ngay từ những ngày đầu nói với chúng tôi: “Anh chị Kiển và Trinh là những người học rộng, biết nhiều lại rất chịu khó tìm tòi, không chịu thất bại nên việc thành công ngày hôm nay là việc đương nhiên. Tôi luôn tin, luôn mến anh chị ấy, họ đã dạy nghề cho tôi, giúp tôi rất nhiều. Lương tôi hiện nay chỉ 4 triệu đồng/tháng nhưng tôi sẽ đi theo anh chị ấy mãi.”

Sản xuất đi dần vào ổn định, được gia đình hai bên ủng hộ, được công nhân yêu mến, được khách hàng tin cậy, sự nghiệp của đôi vợ chồng trẻ này đã qua được giai đoạn gian nan ban đầu nhưng họ đã không dừng lại ở đó. Để mở rộng thêm công việc và mở rộng thêm thị trường, họ  ký hợp đồng sản xuất thêm bịch phôi các loại nấm cung cấp cho người nuôi trồng. Sắp đến, ngoài việc tăng sản lượng nấm linh chi, tăng xuất số bịch phôi cho thị trường miền Tây Nam bộ, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận và TP. Hồ Chí Minh, cơ sở sản xuất nấm Bình Phú sẽ đẩy mạnh sản xuất thử nghiệm và đưa vào kế hoạch sản xuất quy mô với những loại nấm linh chi Hàn Quốc, nấm Chân dài, nấm Hoàng đế. Việc cấy chuyền các cấp độ và nuôi tưới cũng được tự động hóa 100%. Trại nuôi trồng, nhà xưởng, máy móc, kể cả máy trộn, máy sàng, máy đóng bịch, thùng hấp đã được nâng cấp rất nhiều nhưng sẽ nâng cấp thêm nữa để phù hợp với việc sản xuất chuyên nghiệp.

Vậy là chỉ sau 5 năm khởi nghiệp mà đôi vợ chồng trẻ Trần Minh Kiển và Phùng Thị Mỹ Trinh đi dần vào ổn định, con đường gian lao gần như chỉ còn là quá khứ, một quá khứ đầy những trả giá, những nghĩ suy, những nỗ lực, nó thật quá cần thiết cho việc khởi nghiệp, cần thiết cho việc cùng biến ước mơ thành hiện thực. Và nữa, con đường gian nan ấy chính là nền tảng vững chắc cho một sự nghiệp được xây nên bởi tình yêu.

    
     (1): Nấm   linh chi được xếp vào loại thượng phẩm, là một vị thuốc quý trong “Thần   nông bản thảo” và “Bản thảo cương mục”. Công dụng: Hỗ trợ điều trị các   chứng gút (gout), thiểu năng tuần hoàn não, bệnh huyết áp, mỡ máu, suy   nhược thần kinh, gan, thận, giảm quá trình lão hóa của cơ thể, các bệnh   về khớp ở người cao tuổi, xơ cứng động mạch, bệnh tiểu đường. Nấm linh   chi giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, đặc biệt thành phần   polysarccharides trong nấm linh chi khống chế sự phát triển tế bào bất   thường (tác nhân gây ung thư, ung bướu), ngăn ngừa ung thư, ung bướu và   hỗ trợ điều trị sau hóa trị, xạ trị…

Ghi chép: Nguyễn Tân Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi nghiệp: Con đường gian lao của người trồng nấm