Theo dõi trên

Khó khăn trong quản lý nguồn thu thuế vận tải

22/03/2017, 08:22

BT- Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh vận tải ngày càng phát triển mạnh, nhất là lĩnh vực kinh doanh vận tải tư nhân. Tuy nhiên, việc quản lý, thu thuế lĩnh vực này gặp không ít khó khăn, tình trạng trốn thuế đã diễn ra. Hàm Thuận Nam là một trong những địa phương thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý nguồn thu này vào ngân sách.

Phối hợp để quản lý

Kinh doanh vận tải là sản phẩm mang tính dịch vụ. Trong lĩnh vực vận tải khách, còn hiện tượng nhiều đơn vị, cá nhân cho phương tiện đón khách dọc đường, không bán vé, chở quá số lượng quy định... Vì thế, ngành thuế khó xác định con số cụ thể về doanh thu để làm cơ sở tính thuế. Đối với vận tải hàng hóa thì chỉ có một số có hợp đồng vận chuyển, hóa đơn chứng từ, còn lại là thỏa thuận miệng giữa chủ hàng và phía vận chuyển, dẫn đến quản lý thuế rất khó khăn. Mặt khác, lĩnh vực kinh doanh này dễ biến động theo giá xăng dầu, hoặc mùa cao điểm, khách đi lại nhiều (dịp lễ, tết, mùa thi…) nên doanh thu khá “mùa vụ”. Thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, Chi cục Thuế Hàm Thuận Nam chủ động phối hợp các ngành liên quan tăng cường phối hợp, triển khai các giải pháp quản lý nguồn thu này vào ngân sách. Cụ thể, chi cục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp và hộ kinh doanh vận tải những chính sách, quy định mới trong lĩnh vực vận tải, để doanh nghiệp, hộ kinh doanh nâng cao nhận thức thực hiện nghĩa vụ thuế. Để kiểm soát nguồn thu, chi cục thường xuyên rà soát xe vận tải phát sinh để đưa vào quản lý kịp thời. Tăng cường công tác xử lý thu nợ, giảm nợ đọng thuế nói chung và nợ thuế vận tải nói riêng để đảm bảo công bằng cho người nộp thuế trên địa bàn, nhờ đó công tác thu thuế kinh doanh vận tải đã dần đi vào nề nếp. Có thể nói, từ những giải pháp thực hiện đồng bộ, công tác quản lý nguồn thu thuế kinh doanh vận tải trên địa bàn huyện có nhiều tiến triển.

Những khó khăn thực tế

Tuy nhiên, lãnh đạo Chi cục Thuế huyện cho biết: Qua thực tế quản lý thuế kinh doanh vận tải trên địa bàn còn nhiều khó khăn do tình trạng xe trong tỉnh nhưng đăng ký dịch vụ vận tải ở các đơn vị ngoài tỉnh vẫn còn, nguyên nhân do có thông tin mức thuế hàng tháng ở các tỉnh thấp hơn hoặc chỉ nộp phí quản lý chứ không phải nộp thuế. Vấn đề này, chi cục đã kiến nghị Cục Thuế tỉnh rà soát, tính toán lại mức thuế vận tải trên cơ sở tham khảo mức thuế tại các tỉnh lân cận để việc quản lý thuế công bằng và tránh thất thoát nguồn thu sang tỉnh khác. Một khó khăn nữa, hiện các doanh nghiệp chưa tích cực phối hợp với các cơ quan thuế để đối chiếu số lượng xe thực tế đang hoạt động kinh doanh, cung cấp danh mục kê khai đăng ký tài sản cố định theo yêu cầu của cơ quan thuế. Công tác quản lý thuế, quản lý cấp phù hiệu xe và đăng kiểm xe chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ để quản lý thu NSNN và quản lý hành chính về phương tiện vận tải.

Để quản lý tốt hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam cũng như tại các địa phương khác trong tỉnh, ngành thuế cần sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp, các sở, ban, ngành liên quan trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải.  Trong đó, quan trọng nhất phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước ngay từ khâu đăng ký, kiểm định đối với từng phương tiện vận tải hoạt động với mục đích kinh doanh thì mới có thể quản lý thuế. Để làm được điều này, cần sự phối hợp của các ngành, đặc biệt là ngành giao thông vận tải trong công tác quản lý phương tiện vận tải.

Thanh Duyên

    
Trong năm 2016, Chi cục Thuế Hàm Thuận Nam quản lý 128 xe vận tải   gồm 86 xe container bảo ôn dưới 20 tấn, 2 xe tải dưới 20 tấn, 3 xe khách   30 chỗ ngồi. Trong đó, doanh nghiệp nộp thuế là 37 xe chủ yếu là xe   container bảo ôn dưới 20 tấn. Tổng số thuế năm 2016 huyện thu được là   890 triệu đồng.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó khăn trong quản lý nguồn thu thuế vận tải